Sự kiện giáo dụcTin tức

Cán bộ y tế học đường: SOS!: Bài 2: Khó tuyển, dễ nghỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Trung bình mỗi ngày
cô Lê Thị Hiếu, CBYT Trường MN Tuổi Thơ 7, Q.3 phải cho khoảng 50 bé uống thuốc
từ 1-2 lần (ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 31-10 tại lớp mầm)
 

Định biên cán bộ y tế (CBYT)
trong trường học đã có, tuy nhiên không phải trường nào cũng tuyển được người.
Bởi nếu có trình độ trung cấp y tế thì không ai dại gì mà vào trường để làm
CBYT…
“Làm CBYT ở trường, lương thấp
quá, cũng không có cơ hội bồi dưỡng tay nghề. Vì vậy, các trường rất khó tuyển
người. Chỉ riêng ngành học mầm non (MN), Q.3 có 22 trường công lập nhưng chỉ có
6 trường có CBYT…”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT Q.3 nêu thực tế. 
Hiệu phó “kiêm” luôn CBYT
Trong số trên 350 trường
không có CBYT thì có tới 2/3 trong số đó rơi vào các trường MN. Theo đó, ở những
trường MN không có CBYT, hiệu phó bán trú phải phụ trách thêm công tác này.
Chẳng hạn như Trường MN Tuổi
Xanh (Q.Tân Bình). Với khoảng 500 cháu (từ 24 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi) nhưng
từ nhiều năm nay, trường không tuyển được CBYT. Công việc chăm sóc sức khỏe cho
học sinh được giao cho cô Hiệu phó bán trú Hoàng Thu Hà. “Những ngày này, trường
có bé bị tay chân miệng nên công việc của cô Hà càng nặng hơn. Mỗi ngày, cô Hà
phải lập danh sách các bé nghỉ học do bị bệnh và đang điều trị tại cơ sở y tế để
báo cáo lên Trung tâm Y tế dự phòng quận. Để có được danh sách này, bắt buộc phải
liên lạc với phụ huynh. Phụ huynh dễ chịu thì cung cấp thông tin, phụ huynh khó
tính cằn nhằn rằng: “Cô giáo có phải là bác sĩ đâu mà hỏi nhiều thế; con tôi,
tôi phải lo hơn cô giáo chứ…”. Không chỉ có vậy, cô Hà còn phải tính khẩu phần
ăn, lượng kalo cho các cháu”, cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường bộc
bạch.
Còn đối với giáo viên, hầu
như ngày nào các cô cũng phải nhận thuốc từ phụ huynh để cho bé uống.
May mắn hơn Trường MN Tuổi
Xanh, năm học này Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 (Q.11) đã tuyển được CBYT. Tuy nhiên
cũng chỉ là tay ngang, chưa qua trường lớp đào tạo. Cô Nguyễn Thị Tám, Hiệu trưởng
nhà trường cho biết: “Chỉ những người học lớp 12 mới chịu làm việc, còn có
chuyên môn dễ gì mà tuyển được. Hiện tại trường đã cử cô Nguyễn Vân Thanh tham
gia lớp nghiệp vụ y tế”.
Những năm học trước, Trường
Sơn Ca 3 không có CBYT. Vì vậy cô Hiệu phó phụ trách bán trú Thái Thị Lan phải
kiêm thêm công tác này. Mỗi khi học sinh nóng sốt, nhà trường phải gọi cho phụ
huynh tới rước bé về. Trong khi chờ phụ huynh, cô Lan có trách nhiệm lau mát
cho bé, cho bé uống nước chanh, thậm chí là cho uống thuốc hạ sốt. Trong lớp, nếu
các bé cào cấu nhau gây chảy máu, hay té u đầu thì giáo viên phải kiêm thêm
công việc của bác sĩ…
Còn ở các bậc học khác, nếu
không tuyển được CBYT thì việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh được giao cho
giáo viên dự khuyết, văn thư, kế toán, thủ quỹ… Cụ thể như Trường Tiểu học Đại
Thành (Q.11) từ nhiều năm nay nhân viên văn thư phải kiêm thêm công tác y tế.
Thầy Võ Văn Ngữ, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: “Đã nhiều lần tuyển mà không
được, kiếm người có chuyên môn thật không dễ chút nào”…
Nơm nớp lo… mất người
Qua tìm hiểu chúng tôi được
biết, phần lớn các trường có CBYT có tay nghề là do tự bỏ tiền túi ra để đào tạo.
Cụ thể như trường hợp cô Lê Thị Hiếu, CBYT Trường MN Tuổi Thơ 7 (Q.3). Cô Hiếu
được trường cử đi học lớp sơ cấp rồi trung cấp y tế. Hay như trường hợp cô Nguyễn
Kim Lý, CBYT Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Trước đây, cô Lý là bảo mẫu
của trường. Một lần, thấy cô Lý băng bó vết thương cho học sinh bị kẹt tay vào
cửa đứt một miếng thịt nên nhà trường đã phân cô làm CBYT. Sau đó, cử cô đi học
lớp sơ cấp y tế. Còn cô Hà Mỹ Thanh Thuyên, CBYT Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi
(Q.4), 3 năm trước làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7). Sau đó xin về
Trường Nguyễn Văn Trỗi làm CBYT. Vừa làm vừa đi học lớp sơ cấp y tế…
Theo quy định của Bộ GD-ĐT
thì chỉ những người có trình độ trung cấp mới đủ điều kiện vào biên chế CBYT
trong trường học. Tuy nhiên, nhiều trường không dám bỏ tiền ra cho CBYT đi học
trung cấp vì sợ… đi là mất. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn
Văn Trỗi lo lắng: “Năm nay cô Thuyên, CBYT của trường sẽ lấy bằng sơ cấp y tế.
Học thêm 2 năm nữa sẽ lấy được bằng trung cấp. Nhưng cho cô ấy đi học trung cấp
rồi, không biết có chịu quay về trường làm hay không. Bởi bây giờ các phòng mạch
tư, bệnh viện cũng đang rất cần người có chuyên môn. Mà ở những nơi này thì
lương lại cao hơn nhiều so với trường học”…
Sự lo lắng của cô Thúy Hà
không phải là thừa, bởi trên thực tế có rất nhiều CBYT trường học đã bỏ trường
ra bệnh viện làm. Chẳng hạn như Trường MN 14 (Q.3) đã mất hai CBYT cho các bệnh
viện chỉ vì lương ở trường quá thấp, điều kiện làm việc lại không phát huy được
tay nghề của CBYT…
Trên thực tế, lương của CBYT
học đường hiện nay rất thấp. Bà Lê Thị Minh Loan, Trưởng phòng GD-ĐT Q.9 cho biết:
“Hiện nay mức lương cao nhất của đội ngũ CBYT trên địa bàn Q.9 là 2,2 triệu đồng/tháng.
Và cũng chỉ có các trường tiểu học, THCS mới đủ kinh phí để tuyển được CBYT,
còn MN thì chỉ một số ít trường có”. Cũng vì mức lương quá “bèo” mà Q.Bình Tân
chỉ có 2 trường MN công lập có CBYT, còn lại gần 20 trường là do hiệu phó bán
trú phụ trách.
Và có một điều cực kỳ vô lý
là những trường “trắng” CBYT đều bị trừ 0,5 điểm mỗi khi liên Sở Y tế và Sở
GD-ĐT TP đi kiểm tra chấm điểm công tác y tế trường học. Bà Minh Nguyệt, Phó
phòng GD-ĐT Q.3 bức xúc: “Các trường đã cực vì không có CBYT lại còn bị trừ điểm”…
Bài, ảnh: Hòa
Triều

 

 

Bình luận (0)