Số tiền được bảo hiểm tiền gửi chi trả 50 triệu là quá ít, trong suốt 10 năm thực hiện bảo hiểm tiền gửi thì chưa cá nhân nào được chi trả. Hầu hết các đại biểu nhận định như vậy khi thảo luận ở tổ sáng 3.11 về luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và kiến nghị: nâng mức chi trả của BHTG lên nhiều lần.
Chưa sòng phẳng
Dường như có sự ngộ nhận trong dân rằng: tiền gửi được nhà nước bảo hiểm hết, song thực chất luật pháp không có quy định như thế. Ảnh: LQN
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhận xét: BHTG ở Việt Nam đã hoạt động từ lâu nhưng ta ít quan tâm vì thấy ngân hàng an toàn và dường như có sự ngộ nhận trong dân rằng: tiền gửi được nhà nước bảo hiểm hết, song thực chất luật pháp không có quy định như thế. “Mức đền bù 50 triệu đồng như lâu nay là chưa tương thích, không an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh đầy nghi ngờ với hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Ngân nói. Đại biểu Vũ Huy Hùng (Hà Nội) lo ngại: có người gửi hàng chục tỷ đồng nhưng cũng chỉ được bảo hiểm mức 50 triệu đồng. Nhiều người gửi tiền không hiểu được điều này nên cứ an tâm gửi, nhưng nếu chẳng may rủi ro thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu!
Theo đại biểu Phạm Quang Nghị (Hà Nội) mức chi trả như trên “chỉ là an ủi, không đáng kể". Đại biểu Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) bức xức: “Mức chi trả 50 triệu đồng là không sòng phẳng, chưa thỏa đáng vì ngân hàng đem tiền của dân gửi đi kinh doanh, lãi thu về lớn nhưng nếu rủi ro thì bắt dân phải gánh chịu.
Đa số đại biểu cùng kiến nghị tăng mức chi trả cho người gửi. “Hiện mức chi trả của Mỹ gấp 5 lần bình quân thu nhập đầu người, mức chi trả của Thái Lan gấp 7 lần, của Bulgaria gấp 14 lần, của Indonesia là 74 lần…”, sau khi dẫn chứng, đại biểu Ngân đề nghị nâng mức chi trả lên từ 150-200 triệu đồng – tức gấp 7-10 lần bình quân thu nhập đầu người hiện nay. “Mức như vậy sẽ khiến người dân yên tâm vào sự an toàn của hệ thống ngân hàng”, ông Ngân nhấn mạnh.
Hơn 10 tỷ đô la sẽ không được bảo hiểm?
Khác với sự thống nhất cao khi thảo luận về mức chi trả, nội dung "có nên bảo hiểm cho ngoại tệ" vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Không ít đại biểu lý luận: trong khi ngân hàng vẫn nhận gửi bằng đồng đôla mà lại không có bảo hiểm ngoại tệ là vô lý. Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cho đó là việc “làm lợi cho cơ quan xây dựng luật, cho các cơ quan bảo hiểm tiền gửi” và theo bà, phải bảo hiểm cả ngoại tệ.
Hai chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân và Trần Du Lịch cho biết: trong 10 năm thực hiện BHTG ở Việt Nam, chưa một cá nhân nào được chi trả mà chỉ có 11 quỹ tín dụng ở nông thôn phá sản được chi trả với số tiền 18,8 tỷ đồng, nhưng số tiền thanh lý tài sản của quỹ truy thu được chỉ 7,6 tỷ.
Năm 2010, nguồn vốn mà bảo hiểm tiền gửi thu phí được chỉ 6.900 tỷ đồng, một con số quá ít bởi nếu so sánh với số tài sản của một ngân hàng nhỏ hiện nay cũng đã 10.000 tỷ đồng
|
Ngược lại, ông Trần Du Lịch cho rằng, gửi vàng và ngoại tệ là kinh doanh, mà đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro nên không nên được bảo hiểm. Bà Ánh phản đối quan điểm của ông Lịch: Chính sách của mình nói không cho tiền đô la lưu hành bên ngoài mà phải chịu sự quản lý nhà nước, cho nên việc nhận bảo hiểm sẽ khuyến khích dân đưa vào ngân hàng cũng chính là chịu sự quản lý. “Nếu không người ta lại đem ra bên ngoài, đưa vào tín dụng đen, khi đó nguy cơ đổ vỡ hàng loạt thì dân thiệt, nền kinh tế nguy hại”, bà Ánh cảnh báo.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển (đoàn Yên Bái) chung quan điểm: Nên bảo hiểm cho cả ngoại tệ để có thể hút dòng tiền ngoại tệ đang trôi nổi trong dân. “Ví dụ kiều hối, sẽ giảm đi những hoạt động và cơ chế giao dịch ngầm, giúp lành mạnh hoá nền kinh tế. Tình trạng đôla hoá là cần tránh nhưng chưa phải bây giờ”, ông Hiển phân tích.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, lượng kiều hối gửi về không chỉ để cho, tặng mà còn để gửi ngân hàng. Một nghiên cứu của ông năm 2010 cho thấy con số này lên đến 10 tỷ USD, "nhờ vậy, cán cân thương mại đang bị thâm hụt được bù đắp một phần từ lượng kiều hối này", ông Ngân lưu ý. Cho nên, ông cũng lo ngại, chính sách bảo hiểm “thiên vị” này sẽ làm thiếu hụt đồng đôla một khi người dân rút ra. Ông kiến nghị một giải pháp ôn hòa hơn: Nên đưa đồng đôla vào diện được bảo hiểm trong một thời gian nữa, đến khi dân có niềm tin vào VND (tiền đồng không bị mất giá so với đô la) thì chúng ta giảm, xóa điều khoản này vì thực tế luật có thể điều chỉnh sau vài năm ban hành. “Nếu không thì tính an toàn của hệ thống sẽ bị đe dọa”, ông Ngân nói.
Theo Chí Hiếu
(SGTT.VN)
Bình luận (0)