CBYT phải biết khám và quản lý sức khỏe học sinh tại trường. Ảnh: K.Anh |
Có thể nói vai trò của cán bộ y tế (CBYT) ở trường học là rất quan trọng và không thể thiếu. Tuy nhiên, rất nhiều trường không tuyển được CBYT. Vậy phải làm sao để mỗi trường có được một CBYT như Thông tư 35 của Bộ GD-ĐT đã quy định? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP.HCM…
PV: Nhiều trường cho biết rất muốn tuyển CBYT nhưng không có nguồn, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tài Dũng: Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế TP.HCM thì nguồn CBYT có trình độ trung cấp là khá dồi dào. Trung bình mỗi năm các trường trên địa bàn thành phố đào tạo cỡ vài ngàn người. Khi tuyển được lực lượng này, các trường gửi đi học lớp bổ túc chuyên sâu về công tác y tế trường học.
Sau khóa học, CBYT sẽ thực hiện được các chương trình về y tế học đường. Cụ thể là biết cách quản lý và khám sức khỏe cho học sinh (HS) tại trường. Cũng như có kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho HS. Và biết được những điều kiện về ánh sáng, bàn ghế, bảng đen, vệ sinh môi trường để tham mưu cho ban giám hiệu thực hiện đúng nhằm phòng chống các bệnh học đường. CBYT cũng được tập huấn về quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như một bếp ăn bán trú đạt chuẩn là thế nào, tham mưu cho ban giám hiệu thực hiện ba bước kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn (kiểm tra thực phẩm khi nhập vào có đảm bảo tươi sống hay không, thực phẩm sau khi chế biến và trước khi cho HS ăn), kiểm tra an toàn vệ sinh tại căng tin. Không chỉ vậy, CBYT còn được tập huấn khả năng thực hiện chương trình nha học đường, trong đó bao gồm giáo dục HS phòng chống bệnh răng miệng, tổ chức cho HS bán trú đánh răng sau khi ăn trưa tại trường. Thực hiện chương trình mắt học đường, phải giám sát tình hình HS bị tật khúc xạ, nhắc nhở phụ huynh đưa các em đi kiểm tra mắt tại các cơ sở y tế, thực hiện sơ cấp cứu các tai nạn về mắt. Ngoài ra, CBYT trường học còn phải thực hiện chương trình dinh dưỡng trường học, bao gồm quản lý tình trạng HS thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng, phối hợp với bếp ăn bán trú để có chế độ ăn riêng cho những em này, tư vấn cho phụ huynh về chế độ ăn cho HS…
Như ông đã nói thì nguồn CBYT cung cấp cho các trường học là không thiếu. Vậy tại sao vẫn còn hàng trăm trường “trắng” CBYT, hàng trăm trường vẫn chưa có CBYT chuyên trách…?
– Vấn đề đáng quan ngại dẫn đến việc không thu hút được đội ngũ CBYT về trường là chế độ đãi ngộ rất thấp, không thỏa đáng. Đó là chưa kể CBYT mà về làm việc ở môi trường giáo dục thì không thuận lợi như ở các cơ sở y tế. Về trường, nếu ban giám hiệu hiểu thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho CBYT làm việc, như vậy còn có hứng thú với nghề. Nhưng trên thực tế không phải ban giám hiệu trường nào cũng hiểu được tầm quan trọng của CBYT. Do vậy, nhà trường chưa quan tâm và tạo điều kiện cho CBYT làm việc. Thậm chí nhiều trường sử dụng hợp đồng với CBYT, không trả lương ba tháng hè. Theo đó, nhiều CBYT chỉ làm việc 1-2 năm là bỏ nghề…
Chúng ta đã biết được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu CBYT trường học. Vậy, Sở GD-ĐT TP đã có “chiến lược” để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
– Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP rất quan tâm đến công tác y tế học đường, đặc biệt là đội ngũ CBYT trường học. Do đó đã yêu cầu các trường thực hiện đúng định biên theo Thông tư 35 là mỗi trường phải có một CBYT. Song song đó, sở cũng nhắc nhở các đơn vị trường học cho CBYT đúng chuẩn (trình độ trung cấp trở lên) được hưởng trợ cấp 20% theo thông tư của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Và cũng đề nghị các trường sử dụng nguồn kinh phí mà bảo hiểm y tế HSSV để lại trường hỗ trợ thêm cho CBYT.
Ngoài ra, sở cũng đang xem xét xin UBND TP cho phép đội ngũ CBYT trường học được hưởng chế độ đặc biệt mà UBND TP đang hỗ trợ cho CBYT công tác tại các cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa. Trong đó, CBYT có trình độ trung cấp là 400 ngàn đồng/tháng.
Để sức khỏe của HS không bị bỏ ngỏ, nhất thiết phải đẩy mạnh công tác y tế trong trường học. Sở GD-ĐT TP.HCM có kiến nghị gì về vấn đề này không thưa ông?
– Từ thực tế ở các trường học, Sở GD-ĐT TP kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn thực hiện công tác y tế tại trường học; vì hiện nay chưa có hướng dẫn nên khó khăn cho cơ sở. Đặc biệt là ban hành chính sách đãi ngộ để thu hút đội ngũ CBYT trường học, có như vậy họ mới an tâm làm việc. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế để có chương trình đào tạo riêng về CBYT để cung cấp cho trường học. Hiện nay, tại TP.HCM, muốn có người làm công tác y tế trường học thì phải đào tạo lại.
Hơn nữa, cũng kiến nghị phải có định biên CBYT trường học cho các phòng GD-ĐT. Tại TP.HCM, mỗi quận, huyện quản lý cả trăm trường, nếu phòng GD-ĐT không có định biên CBYT thì ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho HS.
Xin cám ơn ông!
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)