Sự kiện giáo dụcTin tức

Giải pháp nào để đào tạo nghề cho người nghèo?

Tạp Chí Giáo Dục

Đào tạo nghề cho người lao động nghèo ở các quận ven và huyện ngoại thành được Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá (BCĐ GN-THK) TP.HCM xác định là giải pháp căn cơ nhất để chuyển hóa vùng nghèo, hộ nghèo ở nông thôn. Nhưng trên thực tế, chương trình này vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa tìm được lối ra.
Làm bữa nào, xào bữa đó
Mặc dù chính quyền địa phương trợ vốn nhiều lần nhưng hộ bà N.T.C ngụ P.Hiệp Thành, Q.12 vẫn cứ nghèo. Nguồn vốn vay được bà dùng vào việc… chi tiêu hàng ngày của gia đình. Ba đứa con trong tuổi lao động nhưng không có nghề nghiệp, lẫn trình độ văn hóa, nên phải chạy xe ba bánh thuê. Trước đây gia đình bà có miếng đất khoảng 500m2 tại KP.2, đã bán đi trong cơn sốt đất vài năm trước và đã được chia năm xẻ bảy, ăn xài phung phí nên giờ phải dắt nhau thuê nhà nơi khác. Tuy vậy, khi chính quyền địa phương đề nghị trợ vốn cho các con bà học nghề, cả ba đều lắc đầu: “Kiếm ăn còn không xong, thời gian đâu đi học nghề, chẳng thà cứ đi làm thuê mà chắc ăn, học nghề chắc gì khấm khá hơn…”. Riêng cô con út của bà năm nay vừa bước qua 20 tuổi thì nó nói: “Em chỉ thích đi học ngoại ngữ và vi tính thôi chứ học may công nghiệp thì học hành làm gì…?”. Nhưng cô gái trẻ này lại quên mất trình độ của mình chỉ vừa mới vượt qua tiểu học. Theo cán bộ chuyên trách GN-THK Q.12, những hộ nằm trong Chương trình GN-THK của địa phương hiện nay đều không trình độ, không tay nghề, có tâm lý làm bữa nào xào bữa đó không chịu học nghề. Tương tự, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi cũng là những địa phương có số lượng lớn thanh niên không tay nghề, thất nghiệp. Trước đây, Thành đoàn TP.HCM có mở chi nhánh giới thiệu việc làm cho thanh niên nhưng hầu như không có hoặc rất ít thanh niên địa phương tìm đến. Ngay cả Trung tâm Dạy nghề của huyện Cần Giờ, Nhà Bè cũng có lúc vắng tanh, không ai đến học. UBND huyện cũng thường hay tổ chức nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo của các xã nhưng số lượng học viên cũng rất lèo tèo. Một cán bộ chuyên trách ở huyện Cần Giờ nhìn nhận, người nghèo chỉ thích làm thuê tại các đầm tôm để có tiền ngay, nhưng hết vụ lại thất nghiệp phải đi mò cua bắt ốc…
Bình quân mỗi năm các quận huyện vùng ven và huyện ngoại thành như quận 9, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… đều ưu tiên chi 100-200 triệu đồng cho hoạt động dạy nghề (miễn giảm 50%-100% học phí) cho diện GN-THK, với hàng chục lớp, với nhiều ngành nghề và tất cả các buổi trong ngày, thuận lợi cho họ lựa chọn nhưng số học viên đăng ký rất ít và nhiều người học nửa chừng thì bỏ vì cho rằng học nghề không hiệu quả.
“Vui làm, buồn nghỉ”
Ngại khó, vô kỷ luật chính là rào cản đối với số lao động này khi vào làm tại các nhà máy. Hằng năm thành phố chi hàng tỷ đồng để đào tạo nghề cho người nghèo, trong đó tập trung khá nhiều ở các quận huyện vùng ven và ngoại thành. Nhưng trên thực tế số lao động nghèo theo học nghiêm túc không cao và số có việc làm lại rơi rụng sau đó. Một cán bộ chuyên trách GN-THK Q.9 có lần kêu trời khi ví chuyện giới thiệu nghề cho những người này chẳng khác nào dã tràng xe cát. Hầu hết các học viên diện ưu đãi trên sau khi mãn khóa học nghề đều được các trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng không ít người chê lương khởi điểm thấp, đi xa, lại cực nhọc… nên họ quay lại làm thuê như cũ. Ngược lại các nhà máy cũng không thích nhận lao động diện GN-THK vì nhiều người thiếu ý thực kỷ luật và chí vươn lên, “vui làm buồn nghỉ”.
Thành phố đang tập trung cao điểm cho Chương trình GN-THK nhưng thực trạng trên là một cản ngại không nhỏ.
Hoàng Lĩnh

Bình luận (0)