Sự kiện giáo dụcTin tức

Cuốn sách làm thay đổi đời tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 1963-1964, tôi được chuyển thẳng vào cấp 3 không phải thi với thành tích là học sinh đoạt giải kỳ thi giỏi toán toàn miền Bắc năm cuối cấp 2. Các thầy dạy toán cấp 3 Hải Hậu ngày đó luôn động viên tôi tiếp tục tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán để có tương lai. Các thầy dạy văn, đặc biệt thầy Vũ Đức Chử lại khuyên tôi nên phấn đấu từng bước chuyển sang học tốt môn văn.
Một sáng chủ nhật, thầy đến thăm gia đình tôi mang theo cuốn Người nhạc sỹ mù, để tôi mượn đọc với lời nhắn gửi: “Em chịu khó đọc và ghi cảm xúc vào nhật ký. Cứ suy nghĩ kỹ đi. Thầy cảm thấy hình như những ai có khiếm khuyết về cơ thể, về hoàn cảnh, họ đều chọn con đường nghệ thuật để thực hiện ước mơ. Nếu em đi theo hướng này trong hoàn cảnh của mình như vậy thầy nghĩ sẽ có nhiều cơ hội dễ cho em thành công hơn”.
Trong lúc đang phân vân giữa đôi dòng nghĩ suy trăn trở, chưa biết chọn hướng nào thì tôi nhận được món quà đặc biệt. Đó là cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy do ông Sêsin, Phó tiến sĩ văn học Nga, gửi tặng cùng bức bưu ảnh có hình Pavel đang ngồi đọc sách. Tôi miệt mài đọc nó trong tâm trạng háo hức mê say. Càng đọc tôi càng bị hút hồn bởi nhân vật Pavel, hiện thân của tác giả Ostrovsky, người đã mù hai mắt, liệt hai chân, cuộc đời tưởng mãi bị vây chặt trong vòng đai thép của số phận, vẫn say sưa phấn đấu đọc và viết. Cuối cùng, bằng nghị lực phi thường, ông đã phá tung cái vòng đai thép quái ác ấy trở thành nhà văn Xô Viết nổi tiếng. Tự nhiên trong tôi bừng sáng một quyết định mới: Mình sẽ học tốt văn. Biết đâu cũng trở thành nhà văn như Nicolai.
Nhiều đoạn trong cuốn sách Thép đã tôi thế đấy tôi đọc đi đọc lại, chép vào sổ rồi học thuộc lòng. Không ít lần, vì một lý do nào đó tôi bị rơi vào tâm trạng chơi vơi, định buông xuôi tất cả. Những lúc ấy trong tôi lại ngân vang dòng suy nghĩ của Pavel: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho ra sống để khi nhắm mắt xuôi tay không có gì phải xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”. Như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, thế là tôi lại quyết chí vượt qua những phút giây yếu mềm để tiếp tục phấn đấu với lòng tự tin không thể để cho đời mình một phút trôi đi hoài phí. Vừa học tốt tôi vừa tranh thủ ghi nhật ký, tập viết những bài thơ đầu tiên.
Năm lớp 9, một lần đi học về giữa khuya những ngày phải sơ tán vì giặc Mỹ bắn phá, lại gặp mưa lớn, tôi bị ngã gãy tay khi leo qua một chiếc cầu đất quá trơn. Sau khi lên bệnh viện thành Nam bó bột, tôi trở về tiếp tục đến trường.
Được mấy ngày, tôi lại bị trượt ngã lần thứ hai ngay tại cầu ao nhà mình cũng trong một tối đi học về. Chỗ tay mới gãy giờ như lại bị gãy thêm, đau đớn gấp bội lần. Sáng hôm sau, nhớ chuyện tối phải đến trường với tiết kiểm tra Nga văn, tôi liền lấy sách bút ra học. Vừa ngồi được một lát, cơn đau lại nhói lên tận óc. Tôi nằm vật ra giường trong nhập nhòa nước mắt. Giữa phút giây ấy, trong tôi lại hiện về hình ảnh Pavel với lời tự nhủ: “Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu đựng được nữa”. Tôi đọc to lên rồi nghiến răng vùng dậy, một chân mở sách một chân cầm chiếc thước dài cứ thế gõ lạch cạch vào băng bột để giảm cơn đau, mím môi ngồi học bình thường. Tối đó, trong cơn đau tôi vẫn đến trường, vẫn làm bài kiểm tra Nga văn đạt điểm 5 (điểm cao nhất ngày đó). 
Cảm ơn Pavel, cảm ơn Thép đã tôi thế đấy, cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời tôi từ ấy. Mở cửa con đường để tôi bước vào thế giới văn chương đầy gian nan thử thách nhưng cũng xiết bao kiêu hãnh mừng vui suốt mấy chục năm qua. Càng hạnh phúc hơn khi ngày 30-10-2011 vừa qua, tôi vinh dự được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.
 

Theo Nguyễn Ngọc Ký

 

(sggp)

Bình luận (0)