Bất bình với cách điều hành của hiệu trưởng trong mọi vấn đề, một số giáo viên (GV) đã tự nguyện xin về hưu sớm. Đó là thực trạng xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).
Không minh bạch trong thu chi
Vừa qua, Giáo Dục TP.HCM có nhận được đơn thư của một bộ phận GV trong trường phản ánh về tình trạng thu chi thiếu minh bạch của ông Vũ Trọng Khang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo phản ánh của những GV này thì từ đầu năm học 2011-2012, Trường THCS Nguyễn Trãi quyết định đưa dạy thêm ngoài trường vào trong trường. Nhưng điều GV bức xúc ở chỗ, hiệu trưởng đòi tăng tỷ lệ tiền quản lý của giám hiệu lên 20%. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu như ông Khang minh bạch được các khoản chi trong số tiền 20%. Trước đó, từ năm học 2009-2010, khi mới về nhận nhiệm vụ tại trường, ông Khang đã tổ chức họp bàn về việc tăng tỷ lệ % tiền quản lý của giám hiệu. Lúc đầu ông đòi tỷ lệ GV dạy thêm phải nộp là 15% (trước khi ông Khang về trường, giám hiệu đã thỏa thuận với GV dạy thêm là 5%). Bất chấp sự không đồng tình của đại đa số GV, ông Khang nhất định đòi 8%. Theo ông giải trình, 3% trong đó dùng để “bôi trơn” cấp trên. Nhưng sau khi bị phản ánh trên dư luận, ông đã phải trả lại 3% cho GV. Theo phản ánh của cô Nguyễn Bích Ngà (GV dạy toán của trường) thì đến giờ cô vẫn chưa nhận được 3% hoàn trả lại của ông Khang. Không những thế, đến tháng 10-2010, vị hiệu trưởng này lại tiếp tục tổ chức họp bàn về vấn đề tăng lên 10% tiền quản lý cho giám hiệu. Việc này vẫn không được GV đồng tình. Để đạt được mục đích, ông Khang đi thỏa thuận với từng GV dạy thêm, nhưng nội dung lại không thống nhất. Và tất cả những khoản thu này không được công khai minh bạch cho GV trong trường.
Không chỉ lùng nhùng về tỷ lệ phần trăm “chiết khấu” với GV mà ngay cả việc thu tiền của học sinh đầu năm học này cũng có vấn đề. Mặc dù từ tháng 7-2011, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quy định không thu bốn khoản tiền của học sinh (vệ sinh, an ninh, giữ xe, bảo vệ) nhưng đến tháng 9-2011, khi bước vào năm học mới, ông Khang vẫn chỉ đạo thu của mỗi học sinh 160 nghìn đồng, bất chấp ý kiến phản đối của phụ huynh học sinh. Chỉ sau khi UBND quận Thanh Xuân có kế hoạch thanh tra tài chính các trường trong quận vào giữa tháng 10-2011, thì ngày 8-10, ông Khang mới họp các chủ nhiệm lớp để trả lại số tiền thu trái phép của học sinh nói trên.
Bất bình với cách điều hành
Quan trọng nhất đó là việc điều hành chuyên môn trong trường của ông Khang đã khiến nhiều GV bất bình. Đó là phân công dạy không đúng chuyên môn đối với những GV có thâm niên trong trường và cắt tiết dạy của GV một cách vô lý. Theo một GV, mọi năm cô được dạy văn hai lớp thì năm nay ông Khang cắt chỉ còn một lớp, thay vào đó, cô phải dạy sử, giáo dục công dân. “Gần 30 năm đứng lớp, chưa bao giờ tôi phải soạn đến bốn loại giáo án như năm nay”, cô giáo này bức xúc. Trong khi đó, cũng trong tổ xã hội, cô tổ trưởng lại phải “ôm” tới ba lớp văn. Thầy Trần Việt Thắng, GV dạy toán của trường năm học này cũng bị cắt một lớp toán. Hai cô Khúc Minh Hiền và Nguyễn Minh Thu là hai GV dạy giỏi bị cắt chỉ cho dạy một lớp văn. Không những thế, nhiều GV còn bất bình ở chỗ, GV thâm niên, dạy môn chính không được làm chủ nhiệm còn GV dạy môn phụ được đưa lên làm chủ nhiệm!
Ngày 5-11, chúng tôi có mặt tại Trường THCS Nguyễn Trãi lần thứ hai, sau khi lần thứ nhất thất bại. Điều khiến chúng tôi bất ngờ đó là dù chỉ hẹn làm việc với ông Khang nhưng khi đến, tiếp chúng tôi ngoài ông Khang còn đầy đủ các ban bệ trong trường và tất nhiên, không có mặt của các GV đứng lên tố cáo. Khi hỏi về vấn đề phân công lớp dạy, cắt lớp dạy của nhiều GV, các cô giáo tổ trưởng bộ môn cho rằng đó là những GV sắp về hưu nên trường bố trí cho dạy ít. Các cô thầy đều được bố trí dạy đúng chuyên môn.
Tuy nhiên, nhiều GV “bất mãn” với cách điều hành này nên đã xin về hưu sớm như thầy Trương Đức Giáp, thầy Trần Việt Thắng, cô Nguyễn Thị Bích Ngà…
Nghiêm Huê
Bình luận (0)