Sự kiện giáo dụcTin tức

Đồng bằng sông Cửu Long: Đưa học sinh trở lại trường học sau lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn sau lũ lụt, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực khôi phục lại trường, lớp, cơ sở vật chất để đón các em học sinh trở lại đi học, với quyết tâm cao nhất, không để gián đoạn việc nghỉ học của các em trong thời gian dài.
Long An: Học sinh vùng lũ có thể sẽ đi học lại vào ngày 13-11-2011
Theo dự báo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, mực nước tại các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng đang giảm, riêng các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, mực nước đang tăng nhẹ so với những ngày trước đó. 
Dọn lại trường, lớp sau mùa lũ ở thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp
(Nguồn: dongthaponline)

Đến nay, tất cả học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở đều đang nghỉ lũ. Học sinh khối trung học phổ thông ở các trường đặt tại thị trấn từ đầu mùa lũ đến nay vẫn đi học bình thường và lưu trú tại ký túc xá nhà trường. Theo kế hoạch của các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, học sinh có thể sẽ đi học lại vào ngày 13/11/2011. Riêng 2 huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa, do tình hình lũ còn phức tạp nên chưa xác định được thời gian cụ thể để học sinh đi học lại.

Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp nên mùa lũ năm nay, hầu hết các trường đều không bị ngập, chỉ một số điểm trường nằm sâu trong các ấp mới có hiện tượng ngập lũ. Công tác bảo quản tài sản trường lớp cũng được thực hiện nghiêm túc. Các trường đều có phân công giáo viên và bảo vệ trực 24/24 trong những ngày học sinh nghỉ lũ. Ở những điểm trường bị ngập, nhân dân địa phương cùng giáo viên kê dọn bàn ghế, sách vở, đồ dùng dạy và học, thực hiện bảo quản tài sản theo đúng quy định.
Đồng Tháp: Thị xã Hồng Ngự ổn định việc dạy và học sau lũ
Sau thời gian nghỉ lũ, các điểm trường trên địa bàn thị xã Hồng Ngự đã bắt đầu cho học sinh đi học trở lại, việc dạy và học được thực hiện khẩn trương.
Theo thống kê, mưa lũ đã gây thiệt hại công trình trường học trên địa bàn thị xã Hồng Ngự hơn 1,2 tỷ đồng gồm: nền đường bị lún nghiêng (1 tỷ đồng), trường ngập, hư hại (208 triệu đồng), sạt lở bờ bao, sụp lún sân trường và cây kiểng (85 triệu đồng). Có 39 phòng học cần phải tu sửa sớm để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Ngự, hiện tại, mực nước lũ đang rút dần, các điểm trường đã nhanh chóng ổn định việc dạy và học sau lũ. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường khẩn trương tổ chức việc dạy và học. Cho đến những ngày cuối tháng 10/2011, toàn thị xã có 56 điểm trường, 369 lớp với 11.126 học sinh đi học, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 99,70%. Trong đó, cấp mẫu giáo thị xã có 24 trường, với 52 lớp, tổng cộng 1.398 học sinh đã trở lại lớp, đạt 100%; cấp tiểu học, 14 điểm trường với 26 điểm chính và điểm phụ, 5.870 học sinh đã ra lớp, đạt gần 100%; cấp trung học cơ sở có 6 điểm trường với 90 lớp học, tổng số là 3.858 học sinh, đạt gần 100%.
Dù tỷ lệ học sinh ra lớp khá cao, nhưng Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Ngự vẫn có văn bản chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường thành lập tổ khảo sát nắm cụ thể điều kiện an toàn của từng điểm trường trên địa bàn, phối hợp với nhà trường trong công tác huy động học sinh, tổ chức sửa chữa tạm sân trường, đường vào trường phục vụ cho việc dạy và học sau lũ; vận động phụ huynh học sinh có trách nhiệm quản lý chặt chẽ giờ giấc đến trường của con em, cho các em mặc áo phao, tổ chức đưa rước nếu thấy cần thiết.
Một số điểm trường có học sinh đi học xa nhà, đường đi vẫn còn ngập nước, ban giám hiệu trường phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã hỗ trợ áo phao cho các em. Giáo viên phải theo dõi và giúp đỡ học sinh, nhất là những em học sinh nghèo, ở trong vùng bị nước lũ chia cắt, đi lại khó khăn. Để học sinh đến trường, một số điểm trường có sân trường vẫn còn ngập đã huy động giáo viên, học sinh đắp bao cát để làm đường đi vào trường.
Đề cập đến chương trình học của học sinh sau lũ, anh Lê Văn Trung – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Ngự cho biết: “Nếu không có gì thay đổi trong học kỳ 1, các điểm trường nghỉ lũ sẽ dạy kịp chương trình, một số trường đã sử dụng các tiết sinh hoạt chuyên môn để giảng dạy, đảm bảo cho học sinh học 5 tiết/ngày. Đối với những em học sinh đến giờ chưa ra lớp, trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng riêng để các em nắm được kiến thức. Nhìn chung, công tác huy động, dạy bù cho học sinh đã cơ bản đi vào nề nếp…”.
An Giang: Trường tiểu học “C” An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới nỗ lực vượt qua khó khăn đưa học sinh đến lớp
Là một trong những ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất chưa được hoàn thiện. Trong đợt lũ vừa qua, trường tiểu học “C” An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới bị ảnh hưởng nên cơ sở vật chất càng xuống cấp trầm trọng. Trường đang cố gắng huy động các nguồn lực để tu sửa lại trường, lớp bảo đảm việc dạy và học…
Thầy Nguyễn Văn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học “C” An Thạnh Trung cho biết, trường đang có 248 em theo học ở 10 lớp, với 14 phòng học, gồm các điểm chính và phụ. Đa số gia đình các em đều làm ruộng hoặc đi làm ăn xa nên tới mùa vụ, cha mẹ thường cho các con đi theo, gây gián đoạn việc học. Các thầy cô trong trường cũng gặp khó khăn trong công tác vận động học sinh đến trường. Tuy nhiên, với sự cố gắng vận động học sinh đến lớp, năm học vừa qua, trường chỉ có 5 học sinh bỏ học một thời gian (chiếm 0,4%). Đồng thời, trường còn quan tâm phụ đạo cho học sinh yếu kém để nâng cao học lực cho các em và duy trì sĩ số học sinh.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên của trường luôn nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, trường có 16/17 giáo viên đều có bằng đại học, cao đẳng, trên mức chuẩn quy định của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề ra. Bên cạnh đó, các thầy, cô luôn tích cực trong việc tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet, chương trình nâng cao, học hỏi kinh nghiệm ở các đồng nghiệp trong trường và đơn vị bạn, đặc biệt là các mô hình dạy tốt về áp dụng cho trường; từ đó, thúc đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt. Năm học 2010-2011, trường có 5 giáo viên giỏi cấp trường và 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 3 giáo viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm và 2 giáo viên đạt giải làm đồ dùng dạy học cấp huyện.
Song song đó, trường còn thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trung thực trong thi cử, không chạy theo bệnh thành tích”, đảm bảo học sinh lên lớp đều biết đọc, biết viết, làm toán. Nhà trường còn cố gắng thúc đẩy công tác Đội cho các em học sinh như tổ chức thi nghi thức Đội, làm báo tường, tổ chức ngày hội văn hóa dân gian, vận động quỹ “Vì bạn nghèo vui xuân”, phát quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thực hiện phong trào “Xây dựng và bảo vệ cảnh quan sư phạm”.
Tuy năm nay trường bị ảnh hưởng lũ lụt, học sinh phải gián đoạn việc học, nhưng trường đã bố trí lịch học bù nhằm đảm bảo kiến thức cho học sinh, cũng như khắc phục, nâng cấp cơ sở vật chất sau lũ để các em có điều kiện học tập, vui chơi. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ chuyên môn của giáo viên, xây dựng mỹ quan sân trường vẫn là mục tiêu hàng đầu để Trường tiểu học “C” An Thạnh Trung hướng đến đạt chuẩn quốc gia năm 2013./..
Theo K.V
(ĐCSVN)

Bình luận (0)