Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhân lực tài nguyên môi trường đang mất cân đối

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ cấu nhân lực giữa các ngành tài nguyên môi trường của Việt Nam đang rất mất cân đối. Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2%, nhân lực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn chỉ chiếm 1%; địa chất khoáng sản chiếm 1,8%…
Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Định hướng đào tạo nhân lực về kinh tế – quản lý tài nguyên và môi trường trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập và phát triển bền vững”.
Theo TS.Tạ Đình Thi – vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên & Môi trường), hiện đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và người lao động của Bộ Tài nguyên & Môi trường có khoảng 9.070 người; đội ngũ công viên chức làm công tác ở các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác có khoảng 10.000 người. Đến nay, toàn quốc có 223 khu công nghiệp được thành lập theo quyết định của thủ tướng Chính phủ, trong đó 171 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 12 tập đoàn kinh tế nhà nước và hàng chục tổng công ty nhà nước. Những đơn vị này ước tính có khoảng 20.000 nhân sự chuyên trách về tài nguyên môi trường.
Sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường tham gia làm sạch môi trường
TS.Tạ Đình Thi cho rằng, đội ngũ công viên chức của ngành tài nguyên và môi trường nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu công, viên chức. Cơ cấu về ngành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng, nghiệp vụ được giao.
Điều đáng nói là, cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang rất mất cân đối. Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2%, trong khi nhân lực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn chỉ chiếm 1%; địa chất khoáng sản chiếm 1,8%; còn lại 30,8% là nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác. Số cán bộ, công chức được đào tạo về kỹ thuật nhiều hơn số cán bộ công chức được đào tạo về nghiệp vụ quản lý, kinh tế…
Nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2015 tập trung đào tạo từ 150-200 tiến sĩ, ưu tiên các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, đào tạo từ 800-1000 thạc sĩ trong các chuyên ngành về quản lý, kinh tế ngành và về tài nguyên môi trường; đào tạo chuyển đổi và nâng cao từ 6000-8000 cán bộ trình độ ĐH chuyên ngành về tài nguyên môi trường..
Theo thống kê, cả nước hiện có 78 cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về tài nguyên môi trường, riêng các trường của Bộ Tài nguyên – Môi trường đang đào tạo khoảng 7500 sinh viên hệ cao đẳng và 4000 học sinh hệ trung cấp…
Theo An Nhiên
(Nguoiduatin.vn)

Bình luận (0)