Căn cứ theo cấu trúc đề minh họa lần 2 Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên bộ môn cho rằng để làm tốt bài thi khoa học xã hội (KHXH), học sinh cần nắm vững kiến thức SGK lớp 12. Với từng môn, các em nên có phương pháp học tập khoa học, riêng biệt để hệ thống lại kiến thức một cách dễ dàng nhất, không học vẹt, học tủ…
Học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Diên Hồng trong giờ học môn GDCD. Ảnh: Đ.Yến
+ Thầy Lê Thanh Long (giáo viên môn địa lý Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn, TP.HCM): Môn địa lý: Hệ thống kiến thức lớp 12 thành các chủ đề
Cấu trúc đề minh họa môn địa lý lần 2 Bộ GD-ĐT vừa công bố vẫn không thay đổi với 40 câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không xuất hiện kiến thức lớp 11 như đề minh họa lần 1. Trong đó, lý thuyết bao gồm 22 câu hỏi (55%) trải đều ở các phần trong chương trình lớp 12; 18 câu hỏi thực hành (45%) nhằm vào các kỹ năng cơ bản của bộ môn như đọc Atlat, nhận xét biểu đồ, phân tích bảng số liệu thống kê. Cụ thể, cấu trúc đề thi phân bố như sau: Địa lý tự nhiên chiếm 6 câu; 3 câu Địa lý dân cư; 5 câu Địa lý các ngành kinh tế; 8 câu Địa lý các vùng kinh tế; 18 câu Atlat Địa lý Việt Nam vài bài tập. Về mức độ phân hóa, đề thi trải dài ở 4 mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Trong đó, 90% là nhận biết thông hiểu và vận dụng thấp, 10% vận dụng cao.
Từ cấu trúc đề như trên, học sinh khi ôn tập cần nắm vững các kiến thức cơ bản trong SGK lớp 12, bao gồm cả các kiến thức đơn giản nhất như định nghĩa, khái niệm, rèn thêm nhiều kỹ năng để thành thạo thao tác làm bài. Ngoài ra, nên thường xuyên luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm liên quan ở từng chương trong chương trình học. Với các câu hỏi vận dụng, ngoài kiến thức SGK cần biết kết hợp với kiến thức thực tiễn để trả lời. Để dễ học, các em nên hệ thống kiến thức thành các chủ đề như chủ đề biển đảo, đất nước nhiều đồi núi, thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đối với nội dung địa lý các vùng kinh tế, khi ôn tập, học sinh cũng nên cấu trúc lại kiến thức các bài có nội dung tương đồng để dễ so sánh sự giống và khác nhau về các yếu tố tự nhiên, dân cư, các thế mạnh.
Trong quá trình ôn thi, học sinh cần chú ý phân tích, giải thích các mối quan hệ địa lý, nhất là các mối quan hệ tự nhiên – kinh tế – xã hội. Quan trọng nhất và không thể thiếu trong quá trình ôn tập môn địa lý là rèn được kỹ năng xử lý thông tin dựa vào Atlat địa lý Việt Nam như bản đồ, biểu đồ, số liệu thống kê… để tìm kiến thức, rèn luyện các kỹ năng và phương pháp học tập địa lý. Song song rèn kỹ năng nhận xét, phân tích bảng số liệu, một số công thức tính toán, nhận diện các loại biểu đồ trong học tập địa lý. Khi làm bài thi, các em cần đọc kỹ đề, những câu hỏi trả lời được cần tô trực tiếp lên phiếu trả lời, tránh bôi đen, tẩy xóa nhiều lần.
+ Thầy Phạm Thanh Tuấn (giáo viên môn GDCD Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM): Môn GDCD: Vững kiến thức SGK là có thể đạt 8 điểm
Về cơ bản, đề minh họa lần 2 môn GDCD vẫn giữ nguyên cấu trúc như lần 1, song mức độ kiến thức rất nhẹ nhàng. Cụ thể, kiến thức tập trung trọng tâm vào chương trình lớp 12 (chiếm 90%), trong đó chủ yếu là kiến thức pháp luật; kiến thức lớp 11 chiếm 10%, liên quan đến các câu hỏi về vấn đề kinh tế. Mức độ kiến thức cơ bản trong đề dao động trong khoảng 90%, chỉ 10% kiến thức ở mức vận dụng nhưng không quá cao. Với mức độ đề tham khảo như trên, khi ôn tập, học sinh chỉ cần nắm vững các kiến thức cơ bản, trọng tâm trong chương trình SGK lớp 12 là đã có thể đạt điểm khá cao. Đối với các câu hỏi có lồng ghép kiến thức thực tế, khi ôn tập, học sinh nên chú ý các vấn đề mang tính thời sự, bám sát thực tiễn vừa gần gũi với lứa tuổi, vừa mang tính giáo dục thuộc về nhận thức, suy nghĩ, trách nhiệm của người trẻ. Với các câu hỏi tình huống liên quan đến vi phạm pháp luật, khi ôn tập, học sinh cần chú ý phân tích cụ thể từng đối tượng, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm là có thể trả lời được.
+ Cô Lê Thị Ngọc Kim (Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM): Môn lịch sử: Nắm thật chắc kiến thức học kỳ I lớp 12
Căn cứ vào đề tham khảo lần 2 môn lịch sử, chúng tôi nhận thấy về cơ bản cấu trúc đề không thay đổi, vẫn bao gồm 40 câu hỏi trải đều ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Trong đó, kiến thức lớp 12 chiếm trên 95%, còn lại là kiến thức lớp 11. Các câu hỏi nhận biết, thông hiểu trong đề chiếm khoảng 75-85%, vận dụng dao động từ 15-25%.
Ở kiến thức lớp 12, nội dung rơi tập trung vào chương trình học kỳ I. Cụ thể, phần lịch sử thế giới chiếm 25% (2,5 điểm) với 10 câu hỏi, chủ yếu là nhận biết và thông hiểu; phần lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70% (7 điểm) tương đương với 28 câu, trong đó có 18 câu nằm trong học kỳ I, 10 câu kiến thức học kỳ II. Những câu hỏi vận dụng cao trong phần này đều không rơi vào chương trình học kỳ II, giúp học sinh không gặp áp lực khi học tập. Ở kiến thức lớp 11, trong đề có 1 câu rơi vào phần lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, đề cũng xuất hiện 1 câu đề cập đến phần liên kết lịch sử thế giới lớp 11 và lớp 12. Vì vậy, khi ôn tập, học sinh chú ý xâu chuỗi và liên hệ những phần kiến thức của hai chương trình này để dễ dàng so sánh, liên hệ khi cần.
Với môn lịch sử, học sinh nên xây dựng một kế hoạch ôn tập khoa học. Trong đó, nắm thật chắc kiến thức học kỳ I lớp 12, song song đó nên mở rộng nắm kiến thức ở học kỳ II; đồng thời biết liên hệ so sánh với các kiến thức có cùng chủ đề, nội dung trong lớp 11. Dù mức độ đề minh họa lần 2 tương đối nhẹ nhàng, song học sinh cũng tuyệt đối không được chủ quan. Để đạt được điểm cao thì ngoài kiến thức cơ bản phải có kiến thức chuyên sâu, nâng cao, biết hệ thống khái quát, so sánh giữa các giai đoạn. Bên cạnh đó, học sinh cũng nên đọc thêm các phần kiến thức đã tinh giản trong học kỳ II lớp 12 để mở rộng kiến thức. Một lưu ý là khi ôn tập, học sinh không nên sa đà vào việc ghi nhớ các mốc thời gian, sự kiện ngày tháng năm, không học vẹt, học tủ mà phải học hiểu theo chủ đề, dữ kiện lịch sử. Khi làm bài thi, các em nên đọc thật kỹ đề, câu nào có thể làm thì cần làm chắc chắn, không nên quá sa đà vào những câu khó.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)