Sự kiện giáo dụcTin tức

Thành phố đã điều chỉnh học lệch giờ

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi giờ làm của công chức, giờ học của học sinh (HS) là một trong những biện pháp sẽ được Hà Nội thực hiện vào năm 2012 nhằm giảm thiểu nạn ùn tắc đang diễn ra tại thủ đô. Cũng như Hà Nội, TP.HCM thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Về vấn đề này, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết:
Phương án cho HS học lệch giờ đã không còn mới mẻ tại TP.HCM. Bắt đầu từ năm học 2007-2008, nhận thấy tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại nhiều cổng trường, nhất là trong giờ cao điểm phụ huynh đưa đón HS, UBND TP.HCM đã chỉ đạo cho Sở GD-ĐT phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu phương án giải quyết nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng ùn tắc trước cổng trường. Ngoài việc tuyên truyền Luật An toàn giao thông (ATGT) cho HS, xử lý kỷ luật các trường hợp HS vi phạm Luật ATGT theo văn bản của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an thành phố, các phòng GD-ĐT, trường THPT còn phối hợp với các công an, dân quân tự vệ điều tiết cổng trường vào giờ tan học. Sở cũng yêu cầu tất cả các trường học có sân bãi rộng phải tổ chức sắp xếp, mở các cổng trường cho phụ huynh vào trong sân trường khi đưa đón con em. Nơi nào không có sân bãi trong nhà trường thì phối hợp với UBND địa phương để khảo sát tìm nơi lân cận tổ chức cho phụ huynh đưa đón con em, tuyệt đối không để phụ huynh để xe dưới lòng, lề đường gây mất trật tự ATGT trước cổng trường. Riêng đối với các trường quốc tế, cơ sở văn hóa ngoài giờ, cơ sở giảng dạy ngoại ngữ… sở đã làm việc với người đứng đầu và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời về tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại những nơi này. Cũng trong kế hoạch này, sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện bố trí lệch ca giờ học nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Ngoài khung giờ học được quy định, các trường có thể linh động sắp xếp để phù hợp tùy theo điều kiện thực tế của mình.
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
– Đối với các trường mầm non, khung giờ học từ 7h30-16h không thay đổi. Tương tự, giờ học buổi sáng các trường tiểu học từ 7h-11h cũng không thay đổi. Tuy nhiên, giờ học buổi chiều lại được lệch muộn hơn 15 phút từ 13h15-16h45 thay vì từ 13h-16h như trước đây. Giờ học buổi sáng và buổi chiều các trường THCS và THPT cũng được lệch muộn hơn 15 phút. Cụ thể, THCS học buổi sáng từ 7h15-11h30, buổi chiều từ 13h15-17h15; THPT sáng từ 7h-11h30, chiều từ 13h-17h30. Ngoài ra, hiệu trưởng các trường học trên cùng địa bàn có thể phối hợp với nhau để thực hiện lệch giờ ra về giữa các khối lớp, các trường nhằm giải quyết tốt nhất việc ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trọng điểm.
Vậy kết quả thực hiện được ra sao, thưa ông?
Tính đến nay, ngành GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện việc điều chỉnh giờ học được 5 năm học. Theo tổng hợp báo cáo từ các đơn vị gửi về, sau thời gian thực hiện chỉ đạo trên, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để chờ đón con em trước cổng trường đã giảm rất nhiều, không còn hiện tượng ùn tắc vào các giờ cao điểm. Sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của một số chính quyền địa phương trong việc bảo đảm, giữ gìn trật tự cổng trường vào đầu giờ học và ra về đã tạo sự chuyển biến tốt về ý thức chấp hành giao thông của một bộ phận phụ huynh và HS, tạo sự thông thoáng, an toàn trước cổng trường. Sự thay đổi giờ học không làm ảnh hưởng tới việc đưa đón con em của phụ huynh, càng không ảnh hưởng tới mọi sinh hoạt giờ học, chương trình học của HS.
Để thực hiện tốt hơn công tác giáo dục trật tự ATGT, sở đã có những định hướng gì trong thời gian tới?
Ngoài việc tiếp tục kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện việc điều chỉnh lệch giờ học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT cho cán bộ, giáo viên và HS, sở còn chỉ đạo các trường vận động HS đến trường bằng xe buýt hoặc đi bộ. Sở cũng khuyến khích các trường học sử dụng xe đưa đón HS nhằm giảm tải áp lực sử dụng xe máy vào các giờ cao điểm, hạn chế tai nạn cũng như góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.
Xin cám ơn ông!
Tường Vy (thực hiện)

Bình luận (0)