BV Nhi đồng I luôn trong tình trạng quá tải với 7-10 ngàn ca bệnh/ngày
|
Trung bình mỗi ngày các bệnh viện ở TP.HCM phải tiếp nhận từ 5-8 ngàn bệnh nhân, cao gấp 2-3 lần so với năng lực tiếp nhận. Hậu quả của việc quá tải là bệnh nhân phải nằm 2-5 người/giường, nằm ghế bố, nằm hành lang và nằm cả dưới gầm giường…
Xung quanh vấn đề này, trong hai ngày 28 và 29-11, Bộ Y tế đã đi thăm các bệnh viện (BV) Ung bướu, Nhi đồng I, Chấn thương chỉnh hình và làm việc với UBND TP.HCM. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải thốt lên: “Quá tải khiến cho bộ mặt của ngành y tế không thể nào chấp nhận được. Chắc chắn không có BV nào trên thế giới cũng như khu vực rơi vào tình cảnh này”…
Bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường, gầm cầu thang
Sáng 28-11, tại BV Ung bướu TP.HCM (BV chuyên khoa ung thư tuyến cuối khu vực phía Nam), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các thành viên trong đoàn đã tận mắt chứng kiến hàng trăm bệnh nhân phải nằm dưới gầm cầu thang, hành lang. Cảnh tượng này đã diễn ra tại BV từ nhiều năm nay. Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV thì: “Số giường định biên của BV là 1.300 nhưng trên thực tế chỉ kê được 631 giường. Lý do là không còn chỗ để kê thêm giường. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày điều trị nội trú tới 1.700-1.800 bệnh nhân (tương đương với 3 bệnh nhân/giường) và gần 2.000 bệnh nhân ngoại trú”.
Tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tình hình cũng chẳng khá hơn – Người bệnh nằm và ngồi la liệt ở khắp nơi. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV cho biết: “Tai nạn thương tích, chấn thương tăng cao, cộng với các bệnh xã hội như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm đã khiến mỗi năm lượng bệnh nhân tăng thêm gần 10%. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không theo kịp. Đã vậy, BV lại còn phải “cõng” thêm khoảng 50% người bệnh từ các tỉnh chuyển về”. Từ đầu năm đến nay, BV Chấn thương chỉnh hình đã tiếp nhận 550.380 bệnh nhân, tăng 103,8% so với cả năm 2010.
Còn BV Nhi đồng I, trong khi cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng 700 giường bệnh nhưng mỗi ngày có tới 1.500-1.600 bệnh nhân điều trị nội trú, cao điểm lên tới gần 1.900 bệnh. Bên cạnh đó là 5.000 lượt khám ngoại trú, lúc cao điểm mùa dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng lên tới 8.000 lượt bệnh. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV cho rằng: “Bên cạnh mô hình bệnh tật, dịch bệnh trẻ em diễn biến quanh năm, thiếu giường bệnh thì chính sách miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi đã khiến tình hình quá tải ngày càng trầm trọng”.
Về tình hình chung của TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Phạm Việt Thanh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tổng số lượt bệnh nhân đến khám là 29.282.678 lượt, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 7,5% so với kế hoạch năm 2011. Số lượt bệnh nhân nội trú là 1.174.331 lượt, vượt 13,2% so với kế hoạch, ngoại trú: 4.278.175 lượt, vượt 25% so với kế hoạch. Công suất giường bệnh tại các BV đều vượt từ 10-30%…”.
Không thể để quá tải BV thành… mãn tính
Do quá tải nên nhiều bệnh nhi đành phải nằm ngoài hành lang BV Nhi Đồng 1 để điều trị. Ảnh: Q.Huy
|
Nói về nguyên nhân quá tải, ông Phạm Việt Thanh khẳng định: “Đối với TP.HCM, do có nhiều trung tâm chuyên sâu, nhiều BV đa khoa và chuyên khoa áp dụng các kỹ thuật cao với trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó là đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo huấn luyện tốt, tay nghề cao. Theo đó được bệnh nhân tín nhiệm. Những năm gần đây, giao thông đi lại từ các tỉnh, thành về TP.HCM cũng rất thuận lợi, giá dịch vụ y tế của TP.HCM cũng không cao so với các tỉnh, thành. Và một nguyên nhân cũng hết sức quan trọng đó là các BV tuyến tỉnh, tuy được Bộ Y tế quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhưng cũng chỉ có cái vỏ. Còn bên trong thì thiếu thiết bị y tế hiện đại, thiếu đội ngũ y bác sĩ, nhất là những y bác sĩ có tay nghề. Từ đó làm mất lòng tin của người bệnh, dẫn đến việc bệnh nhân tuyến tỉnh đua nhau lên TP”…
Thực tế cho thấy, tại nhiều BV ở TP.HCM, bệnh nhân ở tỉnh chiếm tới 60%. “Gần 60% bệnh nhân ngoại tỉnh và khoảng 60% trong số đó đáng lẽ nằm điều trị ở tuyến tỉnh nhưng lại tự vượt lên tuyến trên. Cái này ở các nước không có”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bức xúc.
Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu TP.HCM không giải quyết dứt điểm tình trạng này thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải mãn tính. Vậy giải quyết bằng cách nào?
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: “Phải “phổ cập” kỹ thuật y tế cho các BV tuyến dưới, BV tuyến trên không được tiếp nhận những ca bệnh mà BV tuyến dưới thực hiện được…”.
Về phía TP.HCM, ông Phạm Việt Thanh cho biết: “TP đã và đang thực hiện Đề án cử y, bác sĩ giỏi của BV hạng I về các BV quận, huyện. Hiện đã có 30 y, bác sĩ của 10 BV về 4 BV Cần Giờ, Bình Chánh, Bình Tân và Nhà Bè. Đẩy mạnh tiến độ các cụm y tế cửa ngõ như cụm cửa ngõ Tây Bắc: BV Đa khoa khu vực Củ Chi, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn; cửa ngõ Tây Nam: BV Nhi đồng TP, BV Mắt, BV Chấn thương chỉnh hình. Mở rộng quy mô đào tạo của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để đáp ứng nhu cầu y, bác sĩ cho ngành y tế TP…”.
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận kiến nghị: “Từ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8 đến lần thứ 9, TP.HCM đều xác định nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo đó đã thực hiện quy hoạch xong mạng lưới các BV. Từ nay đến năm 2014 sẽ có thêm 3 BV mới, đến năm 2015 có thêm 3 BV nữa. Cái khó hiện nay là do vướng Nghị định 11 về cắt giảm đầu tư công nên nhiều công trình không thể tiếp tục thực hiện. Mặc dù năm 2011, TP đã dành 170 tỷ đồng cho việc xây dựng BV. Do vậy, TP kiến nghị Trung ương cho phép tiếp tục xây dựng những công trình này…”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sẽ cùng với TP.HCM xây dựng Đề án giảm tình trạng quá tải BV để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)