Sự kiện giáo dụcTin tức

Cuối năm, nan giải vấn đề an toàn thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Thực phẩm không an toàn có ở khắp nơi

TP.HCM hiện có gần 30 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố. Thời gian qua, ngành y tế đã tiến hành kiểm tra trên 22 ngàn cơ sở và phát hiện gần 12 ngàn cơ sở vi phạm. Song song đó, các chợ tự phát bán thực phẩm không đảm bảo cũng “mọc” lên khắp mọi nơi, nhất là vào dịp cuối năm…
Những khu vực càng có đông dân nhập cư, đông công nhân như Q.Gò Vấp, Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân… thì càng có nhiều cơ sở bán thực phẩm không an toàn.
Thực phẩm không an toàn tràn lan
Trong chương trình Lắng nghe & trao đổi về an toàn vệ sinh thực phẩm do HTV tổ chức (ngày 4-12), ông Trần Thánh Nông, Trưởng phòng Y tế Q.Thủ Đức bức xúc: “Ở nhiều tuyến đường, gia cầm, gia súc đã giết mổ được bày bán ngay trên lề đường. Không ai dám đảm bảo những thực phẩm này an toàn. Tuy nhiên nó lại rất tiện lợi cho công nhân khi tan ca. Còn đối với người bán, so với giá cả trong chợ thì họ bán giá rẻ hơn. Chính vì vậy mà dẹp được chỗ này, nó lại “mọc lên” ở chỗ khác. Và quan trọng hơn là Q.Thủ Đức giáp ranh với Bình Dương, nên khi cơ quan chức năng xuất hiện, những người buôn bán ở đây chạy sang địa bàn Bình Dương “lánh nạn” nên không thể quản lý”…
Chợ tự phát còn xuất hiện nhiều trên những cây cầu giáp ranh của các quận, huyện trên địa bàn TP như Q.Gò Vấp – Q.12, Q.8 – huyện Bình Chánh… Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 5.600 vụ buôn bán trái phép. Nhưng chỉ bắt được hàng, còn người bán thì nhảy xuống gầm cầu tẩu thoát…
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết: “Kiểm tra lấy mẫu thực phẩm phát hiện nhiều mẫu không đạt, chủ yếu ở các chợ tự phát. Nhiều sản phẩm không nhãn mác, quá hạn sử dụng vẫn được bày bán ở các chợ”.
TP có 3 chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), Tân Xuân (H.Hóc Môn) và Thủ Đức (Q.Thủ Đức), thực phẩm từ đây sẽ phân phối đi khắp nơi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4,5 tấn thực phẩm từ nhiều tỉnh trong cả nước đổ về đây. Hầu hết thực phẩm đều chưa qua sơ chế nên rất khó đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức thừa nhận là mỗi lần lấy mẫu kiểm tra phải mất 3 tiếng mới có kết quả. Trong khi đó, xe chở thực phẩm chỉ dừng lại ở chợ từ 1-2 tiếng. Khi phát hiện thực phẩm không an toàn thì hàng đã được chuyển xuống chợ và xe đã đi…
Mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá
Không phải ngẫu nhiên mà các chợ tự phát, hàng rong xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn TP. Trên thực tế nó tồn tại và phát triển là do nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân TP khóa VIII (từ ngày 6 đến ngày 9-12), nhiều đại biểu cho rằng cần phải phát triển mạng lưới siêu thị vừa và nhỏ, tăng thêm điểm bán hàng bình ổn giá ở các khu vực đông dân cư nghèo, các huyện ngoại thành.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND TP cho biết: “Toàn TP có 2.536 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Nhâm Thìn, các doanh nghiệp trong chương trình Bình ổn thị trường sẽ phát triển khoảng 100 điểm bán mới, trong đó có 15 cửa hàng tiện ích, 5 cửa hàng tại các khu chế xuất – khu công nghiệp. Bên cạnh đó cũng ưu tiên mở điểm bán hàng trên địa bàn huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh… Mục tiêu của chương trình Bình ổn thị trường là phát triển mạng lưới đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng”.
Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề rất khó quản lý, đó chính là thói quen tiêu dùng của người dân. Trong chương trình Lắng nghe & trao đổi, ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP cho biết: “Thói quen khó thay đổi của người dân là khi cúng giỗ, lễ tết phải cúng nguyên con gà chứ không phải chặt đầu, chặt cánh như vẫn bày bán trong siêu thị”. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart cũng thừa nhận là người tiêu dùng thích gà sống hơn là gà làm sẵn. Từ thói quen này mà các chợ tự phát bán gia cầm sống luôn có “đất sống” mặc dù cúm gia cầm đã xảy ra ở 27 tỉnh, thành trong cả nước.
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã phải kêu gọi người dân hãy tẩy chay thực phẩm không an toàn… “UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Thuận nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, các sở, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người sản xuất – kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, qua đó thay đổi hành vi của mọi người…
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)