Sự kiện giáo dụcTin tức

Cận Tết: Tăng cường kiểm tra thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra chất phụ gia thực phẩm bày bán tại chợ Kim Biên sáng 17-12

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngày 17-12, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đi khảo sát một số cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP.HCM cũng như làm việc với UBND TP về vấn đề quản lý vệ sinh thực phẩm…
Phụ gia thực phẩm bán chung với hóa chất công nghiệp
Hiện nay, rất nhiều thức ăn sử dụng phụ gia thực phẩm để tạo màu, tạo mùi. Nhiều thức ăn đã trở nên ngon hơn, bắt mắt hơn nhờ phụ gia. Và càng cận Tết thì nhu cầu sử dụng phụ gia thực phẩm càng tăng mạnh. Tuy nhiên, vấn đề mà ngành y tế lo ngại chính là mức độ an toàn của phụ gia.
Theo báo cáo của Bộ Y tế thì có tới 90% phụ gia thực phẩm đang lưu hành trên thị trường là nhập khẩu. Trong đó có không ít là nhập lậu. Mặt khác, trong quá trình buôn bán, người kinh doanh đã pha chế phụ gia có chất lượng tốt với phụ gia kém chất lượng, quá hạn sử dụng. Còn người tiêu dùng thì không thể nào phân biệt được.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Hầu như ngày nào chúng ta cũng sử dụng những loại thực phẩm có phụ gia. Nếu phụ gia không an toàn thì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân”…
Theo đó, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã đi giám sát việc kinh doanh phụ gia tại chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM. Tại đây, bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban quản lý chợ cho biết: “Chợ Kim Biên có 21 sạp kinh doanh phụ gia thực phẩm. Về điều kiện bảo quản, hầu hết các chất phụ gia thực phẩm phải bảo quản ở nhiệt độ từ 15-200C và không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào nhưng do điều kiện quầy sạp tại chợ nhỏ nên không thể thực hiện được”.
Tại các sạp Anh Mười, Vạn Lợi, cô Tám, bà Tiến (chợ Kim Biên) đoàn đã lấy ngẫu nhiên một số bịch phụ gia. Nhiều bịch có nhãn nhưng thiếu hạn sử dụng, nơi đóng gói…
Ngoài ra, trên địa bàn Q.5 còn có 86 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm. Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Y tế Q.5 cho biết: “Từ đầu năm đến nay đã tiến hành kiểm tra 37 cơ sở, trong đó phạt tiền 8 cơ sở, chờ xử lý 2 cơ sở và nhắc nhở các cơ sở còn lại. Nhiều doanh nghiệp để hóa chất công nghiệp lẫn với phụ gia thực phẩm”.
Trước đó, ngày 16-12, Văn phòng phía Nam của Bộ Y tế đã đi kiểm tra một số cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm và phát hiện cơ sở kinh doanh hóa chất Đăng Hưng (đường Trang Tử, P.14, Q.5) bày bán hóa chất công nghiệp chung với phụ gia thực phẩm.
“Tuyệt đối không được kinh doanh phụ gia thực phẩm lẫn với hóa chất công nghiệp. Phát hiện cơ sở nào để lẫn lộn hóa chất với phụ gia là phải ngừng không cho kinh doanh nữa”, bà Kim Tiến chỉ đạo.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Thực phẩm được bày bán nhiều nơi trên vỉa hè rất khó bảo đảm an toàn vệ sinh

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) – Sở Y tế TP.HCM cho biết: “TP.HCM là một thành phố lớn, có nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm. So với các tỉnh, thành khác, TP.HCM cũng có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Theo đó, vấn đề ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, ngành y tế và các ban, ngành liên quan đang cố gắng để giảm số vụ theo từng năm”.
Như bà Kim Tiến khẳng định thì TP.HCM và Đồng Nai là hai địa phương có số vụ ngộ độc thực phẩm cao nhất. Do đó, bà Kim Tiến yêu cầu phải kiểm tra một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp.
Tại Công ty cung cấp suất ăn Tường Mai (Q.Bình Tân), đoàn kiểm tra ghi nhận trung bình mỗi ngày công ty cung cấp suất ăn cho khoảng 1.500 học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Q.Bình Tân và một số quận, huyện lân cận như Trường Tân Tạo A, Phù Đổng, Bình Trị 2, Bình Trị Đông, Cầu Xáng, Tân Tạo, Bình Tân. Giá mỗi suất ăn là 17 ngàn đồng.
Qua kiểm tra sổ sách cho thấy, nguồn thực phẩm đầu vào của công ty này đảm bảo an toàn, nhân viên đều được khám sức khỏe định kỳ cũng như được tập huấn VSATTP…
Bà Tiến đề nghị: “Công ty cần làm tốt hơn công tác đảm bảo VSATTP, không chỉ có vậy còn phải đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi suất ăn. Bởi đối tượng phục vụ là học sinh nên phải cẩn thận hơn…”.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM thì 100% bếp ăn và hầu hết căng tin trong trường học trên địa bàn TP.HCM đều được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Do đó đã giảm đáng kể số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở khu vực trường học. Thường thì ngộ độc học sinh là do thực phẩm từ bên ngoài đem vào trường…
Sau buổi làm việc với các ban, ngành liên quan trên địa bàn TP.HCM, bà Kim Tiến chỉ đạo: “Để đảm bảo VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành y tế TP.HCM phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm được người tiêu dùng sử dụng nhiều trong dịp Tết như các loại mứt, giò chả… Ngoài ra, phải đẩy mạnh tập huấn cho những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Song song đó tăng cường kiểm tra, lấy mẫu, cơ sở nào vi phạm thì xử phạt nặng từ phạt hành chính đến đình chỉ hoạt động”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)