Ngày 15-12 ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế “Khoa học xã hội thời hội nhập” bàn về các giải pháp để phát triển khoa học xã hội (KHXH) nước nhà lên tầm thế giới, trong đó có chú trọng vấn đề đào tạo.
Quá tụt hậu
PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, suốt 25 năm qua, dù sống và làm việc trong bầu không khí đổi mới nhưng KHXH nước ta vẫn còn tụt hậu quá xa so với thế giới. Để thúc đẩy sự phát triển KHXH, chỉ có cách mạnh dạn hội nhập, bắt đầu từ nội dung, phương pháp đến hợp tác nghiên cứu. Xét ở góc độ đào tạo, nghiên cứu, GS.TS Ngô Văn Lệ, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM cho rằng, một trong những hạn chế lớn làm trì trệ hiệu quả hợp tác quốc tế, ảnh hưởng đến sự hội nhập chính là nguồn lực con người. GS.TS Lệ đánh giá: “Đội ngũ có trình độ chuyên môn cao ở các trường hiện vừa thiếu lại phân bố không đều, độ tuổi trung bình cao. Các giáo viên chủ yếu lo đi dạy cho đủ giờ quy định mà không quan tâm tìm cách hợp tác với các đối tác nước ngoài”. Vì yếu ngoại ngữ, vướng “cơ chế” đã gây khó cho việc triển khai hợp tác quốc tế. Cụ thể, nhiều chương trình học bổng du học không kiếm ra ứng viên, do không đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ lẫn những “ràng buộc” từ quy định về số năm công tác, phải vào biên chế… Bên cạnh đó, sự eo hẹp kinh phí cũng đã không cho phép các nghiên cứu sinh đi thực địa nước ngoài để nghiên cứu dẫn đến chất lượng luận án không đạt. Trong khi đó, các nghiên cứu sinh nước ngoài khi thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan đến Việt Nam luôn nhận được hỗ trợ từ những nhà chuyên môn, đi lại nước ta nhiều lần.
Cũng đứng ở góc độ đào tạo, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định: “Nói về khoa học giáo dục hiện nay thì chúng ta vẫn còn lạc hậu, bất cập. Đây chính là nguồn gốc sâu xa của tình trạng “rối loạn” trong giáo dục lâu nay ở Việt Nam cũng như tình trạng KHXH Việt Nam còn có khoảng cách quá xa với thế giới”.
Đầu tư thích đáng
Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam thì “Trong tương quan với khu vực và thế giới, KHXH và nhân văn Việt Nam vừa thiếu hụt vừa lạc hậu, thậm chí… lạc lõng”. Nhưng để KHXH nước nhà có thể “cất cánh”, GS.TS Lệ nhấn mạnh, nhất thiết phải thay đổi tư duy trong hợp tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt với nhóm ngành thuộc lĩnh vực KHXH và nhân văn. Phải chủ động đầu tư nghiên cứu, không thể duy trì mãi tình trạng xin kinh phí của các nước ngoài cho hoạt động này. Chỉ có bình đẳng trong đầu tư nghiên cứu mới có bình đẳng trong thụ hưởng thành quả.
Đặt vấn đề tăng mức đầu tư cho thích đáng, TS. Nguyễn Thị Từ Huy (Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục) phân tích, chúng ta có thể tổ chức các hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế nhưng không có nghĩa các nghiên cứu của chúng ta đã đạt đẳng cấp quốc tế. Chừng nào các tham luận của ta được trình bày tại các hội thảo quốc tế uy tín, chúng ta mới khẳng định được vị thế với các đồng nghiệp thế giới. Thực tế, các trường ĐH đủ ngân sách chi cho việc tổ chức các hội thảo quốc tế hoặc quốc gia nhưng lại không có ngân sách cho giảng viên tham dự các hội thảo quốc tế để học hỏi kinh nghiệm ở các nước có ngành KHXH phát triển.
TS. Huy còn chỉ ra thực trạng, ngành KHXH và nhân văn ở các trường ĐH nước ta không chỉ lạc hậu so với quốc tế mà còn với chính hoạt động xuất bản trong nước lẫn với những nỗ lực riêng lẻ của các cá nhân trong xã hội. Theo TS. Huy, ĐH là bộ phận tiên phong trong việc đề xuất các tư tưởng, khuynh hướng nghiên cứu, giải pháp cho xã hội; ở mức độ thấp hơn, tiên phong trong ứng dụng và cập nhật các nghiên cứu của thế giới nhưng ở nước ta gần đây, ĐH lại lẽo đẽo đi sau, không tiến kịp sự vận động của xã hội. “Chừng nào nội dung nghiên cứu và giảng dạy ở ĐH còn chưa theo kịp thời sự nghiên cứu thế giới, không nắm bắt được các vấn đề đang đặt ra cho giới học thuật quốc tế chừng đó vẫn chưa thể nói tới việc hội nhập thế giới một cách bình đẳng”, TS. Huy nhấn mạnh. PGS.TS Phan Thanh Bình cũng bày tỏ quyết tâm, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các ngành KHXH phát triển, khẳng định được vị trí, vai trò và trách nhiệm lớn lao của KHXH đối với đất nước và thế giới. Để được như vậy, đòi hỏi các nhà khoa học cần nỗ lực vượt lên chính mình, học tập các phương pháp nghiên cứu tiên tiến của KHXH thế giới, vượt qua tính bảo thủ, sức ì của những quan điểm, thói quen cũ kỹ, thái độ giáo điều, tư tưởng ỷ lại.
M.T
Bình luận (0)