Thái Mỹ (Củ Chi) là xã cơ bản đã hoàn thành chương trình NTM (trong ảnh các em học sinh tiểu học trong giờ ra chơi) |
Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 các xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng, Tân Nhựt, Nhơn Đức và Lý Nhơn hoàn thành kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới (NTM), ngày 27-12 Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại các xã NTM”…
Nhiều xã chưa đạt tiêu chí về giáo dục
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Vai trò và trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP trong việc xây dựng xã NTM là phối hợp với UBND các huyện, sở ban, ngành thực hiện tiêu chí trường học và chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện tiêu chí giáo dục (GD). Trong đó, đạt chuẩn phổ cập GD trung học và chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi; 90% tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (THPT, bổ túc văn hóa và học nghề); trên 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo”.
Trong ba năm thực hiện (2009-2011), các trường học trên địa bàn các xã thí điểm của TP cơ bản được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn về CSVC, đầy đủ trang thiết bị dạy học… cụ thể bậc MN có 1/5 trường, TH có 5/9 trường, THCS có 4/5 trường và THPT có 3/5 trường đã giúp cho HS có điều kiện học tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập, thu hút được đội ngũ GV an tâm với nghề. Hầu hết HS trên địa bàn 5 xã đều được học hai buổi/ngày, sĩ số HS trên lớp ít đã giúp GV giảng dạy sâu sát đến từng em. Học viên được đào tạo nghề, trên 90% đều có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn, đời sống được cải thiện. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có các xã Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng đã đạt được tiêu chí GD còn 3 xã Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè), Lý Nhơn (Cần Giờ) chưa đạt.
Ông Huỳnh Công Triết, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Thông Hội (Củ Chi) khẳng định: “Công tác xóa mù chữ, giảm lưu ban, bỏ học cho HS bậc THCS rất quan trọng. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không theo kịp nội dung chương trình giảng dạy sinh ra chán, bỏ học. Vì vậy để giúp các em tiếp tục theo học bổ túc văn hóa hoặc học nghề là nhiệm vụ trọng tâm tại các xã NTM”. Trên lĩnh vực đào tạo nghề cho thanh niên ở xã NTM, ông Lê Thái Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp chặt chẽ với UBND huyện Cần Giờ, UBND các xã Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh tổng rà soát và lên danh sách số lượng, lực lượng lao động trong độ tuổi, lực lượng lao động nhập cư để từ đó có kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp. Qua đó, nhà trường đã tư vấn, hướng nghiệp chọn nghề cho người dân lao động Cần Giờ đồng nghĩa với việc định hướng cuộc sống tương lai của họ. Các chi nhánh giải quyết việc làm của nhà trường thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hiệp Phước, khu chế xuất Tân Thuận để giải quyết việc làm cho người dân sau khi được đào tạo nghề”.
Cần những giải pháp đồng bộ hơn
Tại hội thảo, Sở GD-ĐT cũng đưa ra những mặt hạn chế mà cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là hiệu suất đào tạo bậc THCS dưới 80% và bậc THPT dưới 70% ở một số xã do tình trạng lưu ban, bỏ học còn phổ biến chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đưa đến thực hiện nhiệm vụ phổ cập thiếu bền vững, ảnh hưởng đến nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực. HS các lớp phổ cập chuyên cần chưa cao nên hiệu quả đào tạo thấp, kinh phí thanh toán cho GV dạy lớp phổ cập có xã thực hiện thấp chưa kích thích, động viên GV an tâm tham gia. Người mù chữ độ tuổi trên 35 vẫn còn cao ở các xã thí điểm xây dựng NTM. Số lao động qua đào tạo chưa được thống kê, cập nhật chính xác. Một số công nhân đang lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là những lao động có tay nghề nhưng chưa có đơn vị nào cấp giấy chứng nhận lao động qua đào tạo. Người lao động lớn tuổi còn ngại ra học nghề, quy định mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đủ từ 25 người trở lên gây khó khăn cho việc mở lớp vì rất nhiều ngành nghề khó tập hợp đủ số lượng. Một số ngành, nghề lao động đặc thù của từng địa phương chưa có giáo trình giảng dạy nghề khó tập hợp đủ số lượng… Chia sẻ thêm những khó khăn này, bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó chủ tịch xã Tân Thông Hội, Củ Chi trăn trở: “Cuối năm 2009 đầu năm 2010 xã dự định mở bốn lớp dạy nghề cho lao động tại địa phương nhưng không có học viên hoặc có nhưng không đủ số học viên theo quy định. Đến năm 2011 xã mở được 18 lớp cho trên 1 ngàn lao động thì trong số này có 70% khi học xong đều có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Còn lại 30% do vướng vào Quyết định 156… nên thất nghiệp”. Bà Nhung lý giải: “Theo Quyết định 156 mỗi học viên chỉ được hỗ trợ 3 triệu đồng/khóa học/sơ cấp. Do đó, những học viên chọn học nghề sửa chữa xe máy, trang điểm cô dâu… là những nghề đòi hỏi phải có tay nghề cao mới có thể ra hành nghề được. Nhưng muốn học cao hơn để nâng cao tay nghề thì học viên phải bỏ ra gần 5 triệu mới được học tiếp, trong khi bản thân họ thuộc những đối tượng nghèo. Vì vậy, việc được dạy nghề và cuối cùng vẫn thất nghiệp là chuyện đương nhiên”.
Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí GD tại các xã thí điểm xây dựng NTM, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Tiến Đạt kiến nghị: “Điều chỉnh tăng mức thù lao cho một học viên được công nhận hoàn thành xóa mù chữ lên 500 ngàn đồng/người để động viên người dạy, thay vì 300 ngàn đồng/người như hiện nay; Bộ LĐ-TB-XH cần điều chỉnh chỉ tiêu, số lượng mở lớp từ 25 học viên/lớp xuống 10 học viên/lớp. Đưa chương trình đào tạo nghề hệ TCCN vào đào tạo nghề lao động nông thôn. Cho phép các trung tâm dạy nghề sát hạch trình độ tay nghề của công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để cấp giấy chứng nhận nghề cho các đối tượng đang cư trú tại các xã này; UBND các huyện chỉ đạo phòng LĐ-TB-XH các huyện hỗ trợ công tác điều tra, thống kê và cập nhật danh sách người lao động đã qua đào tạo ở các xã xây dựng NTM. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp thêm các phòng chức năng và bổ sung trang thiết bị, sách tham khảo cho thư viện các trường học…”.
Bài, ảnh: Huy Cận
Bình luận (0)