Một tiết học tiếng Anh của Trường TH Đoàn Thị Điểm, Q.4. Ảnh: N.Trinh
|
Đến thời điểm này, nhiều giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học, THCS, THPT đã trải qua các kỳ khảo sát năng lực và bắt đầu bước vào công tác bồi dưỡng nâng cao. Tuy nhiên kết quả của các đợt khảo sát không cao đã gây không ít khó khăn cho công tác bồi dưỡng.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Ban quản lý đề án, cho đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố thực hiện việc khảo sát trình độ năng lực tiếng Anh cho GV. Tuy nhiên đề án vẫn chưa có báo cáo kết quả tổng hợp cuối cùng, chỉ biết rằng ở những nơi đã rà soát và báo cáo số GV tiếng Anh tiểu học không đạt chuẩn lên đến 90%, còn trình độ số GV THCS và THPT khác nhau nhiều theo địa bàn. Tỷ lệ chưa đạt chuẩn trung bình từ 70-80% ở các thành phố. Điều này cho thấy đại đa số GV chưa sẵn sàng để chuyển từ lối dạy tiếng Anh như một môn học sang dạy tiếng Anh như một công cụ giao tiếp. Đây là một khó khăn rất lớn cho việc triển khai đề án vì với số lượng GV chưa đạt chuẩn nhiều như thế này thì đề án phải tập trung rất nhiều nguồn lực và thời gian cho công tác bồi dưỡng GV.
Nâng cao năng lực là mộtcông việc mới, đòi hỏi một hệ thống năng lực khác mà trước đây không có, thì người thực hiện những nhiệm vụ mới phải được bổ sung năng lực mới để hoàn thành được các nhiệm vụ mới này. Trước đây chương trình chỉ tập trung dạy ngữ pháp, đọc hiểu và từ vựng thì nay chương trình tập trung vào nói – nghe – đọc – viết, song song đó với những thuật ngữ kỹ năng mềm, kỹ năng trình bày trước đây chưa có thì nay không thể thiếu những kỹ năng này. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ là việc làm giàu thêm tri thức và kỹ năng, dựa trên những kinh nghiệm và tích lũy trước đây. Với những GV còn rất yếu kỹ năng nghe, nói thì mỗi GV cần có trách nhiệm tự học, tự bồi dưỡng năng lực đến trình độ B1 trước khi đi dự lớp bồi dưỡng tập trung để nâng cao trình độ lên B2 và bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy. Bộ GD-ĐT khuyến khích các địa phương tăng cường gửi GV đạt chuẩn đi tu nghiệp ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài để nâng cao trình độ như Vĩnh Phúc, Hải Dương và TP.HCM đã làm trong những năm gần đây.
GV được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn quốc tế. Vậy cụ thể công tác bồi dưỡng sẽ như thế nào và việc đánh giá kết quả công tác bồi dưỡng sẽ ra sao?
Mỗi giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh sẽ góp phần cho Đề án ngoại ngữ quốc gia thành công (một tiết học tiếng Anh tăng cường tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh
|
– Quá trình bồi dưỡng sẽ tập trung vào nâng cao năng lực tiếng Anh. Yêu cầu đặt ra đòi hỏi GV dạy bậc tiểu học và THCS phải đạt trình độ bậc 4; GV dạy THPT phải đạt trình độ bậc 5. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ chọn 8 trường đại học hàng đầu về dạy ngoại ngữ và giới thiệu cho các địa phương để tổ chức rà soát trình độ tiếng Anh cho GV theo khung chuẩn CEFR của châu Âu về 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Các địa phương và các cơ sở giáo dục cũng có thể đưa hình thức thi TOEFL, IELTS hoặc FCE với cả 4 kỹ năng để đánh giá trình độ cho GV. Bên cạnh đó, GV còn được nâng cao năng lực sư phạm theo chương trình bồi dưỡng GV ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT.
Kết quả công tác bồi dưỡng sẽ được 1 trong 8 cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT giới thiệu) đánh giá về năng lực ngoại ngữ. Với GV tiếng Anh tiểu học, việc đánh giá về phương pháp giảng dạy sẽ do 1 trong 18 trường đại học và cao đẳng tham gia đề án năm 2011 tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Có nên chăng giáo dục quy định SV sư phạm ngành tiếng Anh cần phải đạt trình độ tối thiểu B2, FCE trước khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học cũng như yêu cầu các sở GD-ĐT đưa ra quy định: Chỉ tuyển GV khi đã có B2, FCE để mọi khâu có sự chuẩn bị ngay từ đầu cũng như tránh sự tốn kém?
– Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình xã hội trong việc công bố chuẩn chất lượng đầu ra cho sinh viên. Trong thời gian tới, cùng với việc đầu tư thêm để nâng cấp các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm định chất lượng theo tuyến. Bộ công khai về chất lượng để xem giữa lời hứa với xã hội và khả năng thực hiện của các trường như thế nào. Năm 2012, Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội là trường đã đăng ký để được kiểm định chất lượng đầu ra cho toàn bộ sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh của trường. Bộ khuyến khích các trường sư phạm làm như thế trong thời gian sớm nhất.
Tại nhiệm vụ thứ 5 của đề án có ghi: Triển khai đào tạo ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới đối với giáo dục đại học… Vậy chương trình đào tạo ngoại ngữ mới dành cho SV sư phạm ngành tiếng Anh cụ thể như thế nào thưa ông?
– Bộ và Ban quản lý đề án đã giao cho một số trường đại học hàng đầu trong nước nghiên cứu, xây dựng các chương trình đổi mới toàn diện việc đào tạo GV được thực hiện theo các chương trình: Xây dựng chương trình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học hệ cao đẳng; Xây dựng chương trình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học hệ đại học; Xây dựng chương trình đào tạo GV THCS hệ cao đẳng; Xây dựng chương trình đào tạo GV THPT trình độ đại học. Tất cả các chương trình này đều có sự hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới và các tổ chức quốc tế.
Trên cơ sở những chương trình mới được xây dựng và chia sẻ giữa các trường sư phạm, việc đào tạo mới GV tiếng Anh trong những năm tới sẽ có nhiều đổi mới căn bản và toàn diện. Những trường chưa có đủ GV để dạy các môn học mới sẽ được đề án hỗ trợ gửi GV đi đào tạo trong nước và nước ngoài để có đủ năng lực nội sinh cho quy trình và chương trình đào tạo mới.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Trinh (thực hiện)
“Có một nghịch lý, hiện nay đại bộ phận SV sư phạm tiếng Anh ra trường đều có năng lực tiếng Anh tốt nhưng lại không có việc làm vì GV bậc THCS và THPT thừa khá nhiều, trong khi đại bộ phận GV đang dạy lại có trình độ, năng lực tiếng Anh rất thấp. Vì thế trong vài năm tới đây, công tác bồi dưỡng GV sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với đào tạo mới, nhất là với cấp THCS, THPT”, ông Nguyễn Ngọc Hùng nói. |
Bình luận (0)