Sự kiện giáo dụcTin tức

Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2011

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo Luật giáo dục Đại học được trình Quốc hội xem xét; Thành lập Viện Toán cao cấp; Hơn một triệu nhà giáo hưởng chế độ phụ cấp thâm niên; giảm tải chương trình, sách giáo khoa… là những sự kiện nổi bật của ngành giáo dục Việt Nam trong năm qua do Báo GĐ&XH bình chọn.
 
Tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 cap hơn hẳn so với các năm trước. Ảnh: Chí Cường
 
Thành lập Viện Toán cao cấp
Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thuộc Bộ GD&ĐT tại Hà Nội. Viện là tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu toán học. Mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về toán, để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học Việt Nam. GS Ngô Bảo Châu đã được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học của Viện.
 
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao bất thường
Kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 cho thấy, tỷ lệ đỗ đối với giáo dục phổ thông là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Đối với GDTX là 85,47%, tăng 18,76% so với năm trước. Kết quả năm nay cao bất thường khi 4 địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất năm 2010 là Điện Biên, Bắc Kạn, Ninh Thuận và Bến Tre đã có sự "tăng trưởng" vượt bậc. Tỷ lệ cao bất thường này khiến xã hội hoài nghi, Bộ GD&ĐT cũng đã tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan.
 
Ảm đạm tuyển sinh đại học, cao đẳng
Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011, điểm thi thấp cùng với điểm sàn được giữ nguyên khiến cho nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Sau cả 3 lần xét tuyển, nhiều trường ĐH, CĐ "tốp dưới", ĐH vùng, đặc biệt là các trường ngoài công lập không thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường chỉ tuyển được 50%, thậm chí có trường chỉ được hơn 10%. Trắng hồ sơ, cạn nguồn tuyển, một số trường như: ĐH Huế, ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang… đã phải đóng cửa một số ngành học do không đủ người học. Nhằm cứu vãn tình thế, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã kiến nghị hạ điểm sàn, kéo dài thời gian tuyển sinh… song Bộ GD&ĐT không thông qua.
 
Hơn một triệu nhà giáo hưởng phụ cấp thâm niên
Từ ngày 1/9, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi. Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên. Hơn 1 triệu nhà giáo sẽ được hưởng chế độ này, nếu tính theo mức lương hiện hành, bình quân thu nhập mỗi giáo viên sẽ tăng khoảng 16,6% so với hệ số lương và các loại phụ cấp hiện hưởng có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã góp phần động viên và giải quyết bớt một phần khó khăn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo.
 
Giảm tải chương trình, sách giáo khoa (SGK)
Đầu năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn giảm tải SGK ở bậc học phổ thông, theo đó có 5 nhóm nội dung kiến thức được giảm tải. Mục đích nhằm giảm tải chương trình, giúp giáo viên và học sinh có nhiều thời gian ôn tập, củng cố kiến thức, đặc biệt là giảm dần tình trạng dạy thêm, học thêm. Tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, đối với mỗi môn học được hướng dẫn cụ thể, nên việc giảm tải năm nay không ảnh hưởng đến SGK hiện hành và học sinh không cần mua SGK khác.
 
Nam Định quay lưng với dân lập, tại chức
Tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định diễn ra ngày 16 – 17/10 vừa qua, tỉnh này đã công bố công khai thông tin không thực hiện tuyển dụng đối với những ứng viên tốt nghiệp tại các trường ĐH dân lập, hệ tại chức. Quyết định này đã gây những ý kiến trái chiều trong dư luận và đón nhận những phán ứng gay gắt từ dư luận. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng rằng Luật Giáo dục cũng đã nêu rõ bằng cấp của trường dân lập, hệ tại chức đều có giá trị như các trường công lập.
 
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học trình Quốc hội
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ GD&ĐT đã trình Quốc hội Dự thảo Luật GDĐH, gồm 12 chương, 67 điều quy định về tổ chức cơ sở GDĐH; nhiệm vụ quyền hạn của cơ sở GDĐH; các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế; đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; giảng viên, người học; tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH và quản lý nhà nước về GDĐH… do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn nhằm mục đích nâng cao quản lý, chất lượng của GDĐH. Mặc dù có nhiều luồng ý kiến trái chiều, song Dự thảo luật mang một ý nghĩa quan trọng khi lần đầu tiên, có luật riêng dành cho GDĐH.
 
Bài văn cảm động của học trò nghèo
Đầu tháng 11, dư luận lại xôn xao với bài văn "lạ" của học sinh Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, thay vì viết theo chủ đề quan điểm về vai trò của đồng tiền, Hiếu đã viết một bức thư gửi mẹ tự sự về những lo toan vất vả trong cuộc sống của gia đình. Bài văn của Hiếu đã khiến người đọc xúc động trước ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi. Bài văn đã được lấy làm tài liệu sinh hoạt của Thành đoàn Hà Nội và Hiếu cũng đã được Thành đoàn chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2011.   
 
Theo GĐ&XH
(GiađinhNet)

Bình luận (0)