Nỗi lo về chất lượng đội ngũ nhà giáo dường như ngày càng lớn. Bởi đội ngũ nhà giáo gắn liền với chất lượng đào tạo. Theo ông Phan Trọng Ngọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, nỗi lo đó không thể không có sự liên quan tới khoa học sư phạm. Khoa học sư phạm chưa thực hiện tốt việc xác định và cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho hàng loạt vấn đề về phát triển giáo viên.
Không đổi mới sẽ lạc hậu
Trong Hội thảo khoa học sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên, yếu tố căn bản đổi mới giáo dục Việt Nam vừa được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng cần một lực lượng giáo viên với những yêu cầu mới để đáp ứng tình hình thực tế. Bởi theo bà Bình, người thầy hiện nay nếu chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức một chiều thì vai trò của họ đang bị suy giảm trước sức mạnh chuyển tải của CNTT. Nguyên Phó chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là người thầy phải làm cho học sinh có tâm thế tích cực, tự giác tìm kiếm tri thức và trang bị cho học sinh phương pháp học hỏi để tiếp cận, chiếm lĩnh, làm chủ tri thức. Còn với cương vị là Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, ông Ngọ cho rằng nhà trường hiện nay đã không theo kịp với nhu cầu xã hội. Người học cần một ngôi trường hiện đại, trong đó hoạt động của người học phải là hoạt động khám phá thế giới và chính bản thân họ. Đó là hoạt động sáng tạo ra các năng lực người ở mỗi cá nhân. Để làm được điều đó, không thể chỉ bằng hoạt động nhận thức, truyền thụ như truyền thống mà phải bằng một hệ phức hợp các hoạt động thực tiễn, khám phá và sáng tạo của người học. Qua đó, hình thành và phát triển các năng lực người, để sống và làm chủ được cuộc sống của mình trong điều kiện thực tế của một xã hội khoa học, trí tuệ, nhân bản, văn hóa và quốc tế.
Theo đó, vị Viện trưởng Ngọ cho rằng, phải cấu trúc lại hệ thống nhà trường từ mục tiêu, nội dung, phương pháp và phương thức vận hành mới gắn liền và phụ thuộc vào sự nghiệp cải cách sư phạm.
Khoa học sư phạm “mờ”
Nhiều chuyên gia cho rằng, khoa học sư phạm trong các trường sư phạm chưa phát huy được vai trò của mình. Trong khi giáo viên loay hoay với tìm phương pháp dạy học trò cho đúng với yêu cầu mới thì chính ngành sư phạm cũng chưa tìm được hướng đào tạo giáo viên mới do khoa học sư phạm còn hạn chế. Từng là hiệu trưởng của ĐH Sư phạm Hà Nội trong một thời gian, GS. Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, cho rằng, để ngành sư phạm phát triển, đào tạo sư phạm tốt thì phải có khoa học nghiên cứu soi đường, làm tiền đề để chỉ ra các phương pháp đào tạo, yêu cầu đào tạo giáo viên trong từng giai đoạn phát triển, nhưng khoa học sư phạm chưa phát triển tương xứng với vai trò của nó. Ông cũng thấy tiếc khi cơ quan, tổ chức chuyên trách, đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành sư phạm đã mai một dần từ khi Bộ Giáo dục sáp nhập với Bộ Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp. Dấu vết còn sót lại là Trung tâm Nghiên cứu giáo viên trực thuộc Viện Khoa học giáo dục, nay chuyển vào Viện Nghiên cứu sư phạm của Đại học Sư phạm.
Không những thế, sự yếu kém, những sai phạm của giáo viên được phản ánh trong thời gian vừa qua không thể không có lỗi của khoa học sư phạm. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định bên cạnh trách nhiệm cá nhân của thầy cô giáo có sai sót, còn có trách nhiệm của trường sư phạm, nơi đào tạo ra các nhà giáo đó. Các trường sư phạm không thể “phủi” trách nhiệm trước những “khuyết tật” của sản phẩm mình đào tạo ra. Cũng theo nguyên Phó chủ tịch nước, dạy học là một nghề đặc biệt, nó cần có sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Do đó, các trường sư phạm cần làm rõ mục tiêu đào tạo cụ thể và trong chương trình đào tạo của trường sư phạm, phần nội dung thực sự có tác dụng về mặt nghề nghiệp như khoa học tâm lý, giáo dục học, khoa học nhân văn… và đặc biệt vấn đề rèn luyện nghiệp vụ phải chiếm một tỷ trọng thích đáng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020. Thứ trưởng cũng đề cập đến vai trò của trường sư phạm, khoa học sư phạm; việc làm thế nào để khoa học sư phạm phát huy sức mạnh cho ngành và nhận định các kết quả nghiên cứu đã có nhưng chưa tập hợp được thành sức mạnh chung, chưa đưa ra được kiến nghị sát, mạnh mẽ cho Bộ GD-ĐT. Thứ trưởng gợi ý cần phải có những nghiên cứu đón đầu, đưa ra những khuyến cáo, làm nghiên cứu theo đặt hàng của xã hội sao cho sát với cuộc sống nhiều hơn nữa…
Thiên Lam
Bình luận (0)