Xây dựng xã hội học tập được xem là một trong những giải pháp chiến lược để nâng cao nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống… Thế nhưng làm thế nào để xây dựng thành công xã hội học tập đang là câu hỏi ở TP.Cần Thơ?
Trường Tiểu học Trà Nóc 4 (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đang được xây dựng mới nên Ban giám hiệu mượn hội trường Công đoàn các khu chế xuất Trà Nóc để duy trì hoạt động. Nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Ngoài việc cho mượn phòng học miễn phí, Ban chấp hành Công đoàn các khu chế xuất Trà Nóc còn tặng 30 phần quà cho học sinh khó khăn, vượt khó học tốt. Hiện nay, hơn 260 học sinh của Trường Tiểu học Trà Nóc 4, học tại các điểm: Công đoàn các khu chế xuất Trà Nóc (2 điểm học) và Nhà thông tin khu vực 4, P.Trà Nóc, Q.Bình Thủy. Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thủy thì sự hỗ trợ của Ban chấp hành Công đoàn khu chế xuất, giúp nhà trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo.
Sự nhiệt tình của Ban chấp hành Công đoàn khu chế xuất là một trong hàng triệu nghĩa cử đẹp của các tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ở TP.Cần Thơ. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, ban ngành đoàn thể địa phương, nhiều tổ chức cá nhân đã hỗ trợ tích cực cho ngành giáo dục, như: Gây quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo, cán bộ, giáo viên; huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp… Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cũng góp phần xây dựng xã hội học tập. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, nếu như năm 2001, thành phố chỉ có một TTHTCĐ Nông trường Sông Hậu thì đến năm 2010 có 85/85 xã, phường, thị trấn đã thành lập được TTHTCĐ; 9/9 quận, huyện có TTGDTX… Có thể nói, thời gian qua, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn TP.Cần Thơ đã chung tay cùng ngành giáo dục các cấp để lo cho học sinh, lo cho các hoạt động giáo dục. Bước đầu thể hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục.
Không thể phủ nhận những chuyển biến về nhận thức trong đại bộ phận người dân đối với việc học. Từ đó, góp phần hỗ trợ quá trình xã hội hóa giáo dục ở TP.Cần Thơ. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, mới thấy được những yếu điểm cần được tháo gỡ. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu và yếu… Vì vậy, chất lượng giáo dục và đào tạo của TP.Cần Thơ chưa xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các TTHTCĐ, do hoạt động trong tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều TTGDTX, TTHTCĐ trên địa bàn TP.Cần Thơ còn tạm bợ, phải thuê mượn các cơ sở khác để giảng dạy. Vì vậy, không ít nơi chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Tình trạng bỏ học cũng là nỗi lo của nhiều cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục. Học sinh không chỉ bỏ học vì nghèo mà bỏ học do lười học cũng đang tăng dần lên.
Xây dựng xã hội học tập là một trong những yêu cầu cần thiết làm nền tảng nâng cao dân trí. Thế nhưng ở Cần Thơ đang gặp khó do thiếu đồng bộ từ cách đầu tư cơ sở vật chất cho đến con người.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)