Sự kiện giáo dụcTin tức

Không để dịch bùng phát trong dịp Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh điều trị bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1

Ngày 5-1-2012, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức họp giao ban với các trung tâm y tế, phòng y tế 24 quận, huyện. Tại đây, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, nhất là dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Dịch bệnh có chiều hướng tăng
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, năm 2011, toàn thành phố ghi nhận 12.477 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng gần 1 ngàn ca so với năm 2010. Trong đó, số ca tử vong là 11 ca, trong khi năm 2010 chỉ có 2 ca.
Phân tích về diễn tiến của dịch bệnh SXH trong năm 2011, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết: “SXH năm 2011 ngang mức trung bình 5 năm 2006-2010. Dịch tăng theo mùa từ ngày 1-5 đến ngày 15-8. Nhờ xử lý dịch trên diện rộng, đặc biệt khu vực phía Nam sự lan truyền dịch bệnh thấp nên không xuất hiện đỉnh dịch vào tháng 9 và 10 như chu kỳ hàng năm. Tuy nhiên, từ ngày 12-11 đến nay thì dịch có chiều hướng gia tăng, nhất là tuần cuối cùng của năm”.
Các quận, huyện vượt ngưỡng trên 700 ca mắc trong năm qua là Q.8 – 1.046 ca, Q.Tân Bình – 895 ca, Q.Bình Tân – 828 ca, Q.Tân Phú – 798 ca, H.Bình Chánh – 754 ca, Q.7 – 746 ca…
Đối với dịch bệnh tay chân miệng (TCM), năm 2011 có số ca mắc gấp gần 4 lần so với các năm trước. Đơn cử, năm 2007 – 3.461 ca, năm 2010 – 3.621 ca, năm 2011 – 12.657 ca. “Dịch bệnh TCM diễn tiến rất nhanh, nhanh hơn cả dịch cúm A/H1N1 mấy năm trước. Tuần 10 số ca bệnh bắt đầu tăng, tuần 16 lên mức cảnh báo, tuần 19 ở mức báo động, tuần thứ 22 dịch lan rộng, tuần 23 vào đỉnh dịch. Từ tuần thứ 30 dịch có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và có khả năng ảnh hưởng đến mùa dịch 2012 (từ tháng 2 đến tháng 4)”, bác sĩ Thọ cho biết.
Năm 2011, toàn thành phố có 16/24 quận, huyện có bệnh nhân TCM tử vong với tổng cộng 30 ca, trong khi năm 2010 chỉ có 1 ca. Q.8 và Q.Bình Tân đều có 4 ca tử vong. Đặc biệt, “Cả 4 ca TCM tử vong đều ở P.Bình Hưng Hòa A. Phường có đông dân cư – 70 ngàn người, ngoài ra còn có Nghĩa trang Bình Hưng Hòa với khoảng 80 ngàn ngôi mộ. Nghĩa trang do thành phố quản lý nên việc làm vệ sinh, phòng chống bệnh rất khó. Nơi đây tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho người dân. Trong dịp Tết này, số người đến viếng mộ tăng, họ cũng có thể đem bệnh từ nơi khác tới. Rồi việc cắm bông, thắp nhang tạo điều kiện cho muỗi phát sinh gây bệnh SXH”, đại diện Phòng Y tế Q.Bình Tân tâm tư.
Trước và sau Tết, nhiều dịch bệnh thường xuất hiện

Bệnh nhi trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào những ngày cuối năm 2011

Theo dự báo của các chuyên gia y tế thì năm 2012, dịch bệnh SXH sẽ tăng hơn năm 2011. Bởi, chu kỳ của dịch bệnh SXH là cứ 2-3 năm lại tăng một lần. Cụ thể là năm 2006 có 8.640 ca, năm 2008 tăng lên 15.666 ca…
Bác sĩ Thọ còn cho rằng: “Số ca mắc SXH năm 2012 từ 13.500 đến 14 ngàn ca. Tuần thứ 24 số ca bệnh sẽ ở mức cảnh báo, đến tuần 31 ở mức báo động, tuần 38 dịch lan rộng và đỉnh dịch là tuần 44. Ngay từ bây giờ, các quận, huyện cần tập trung kiểm soát các điểm có nguy cơ, đặc biệt là những nơi có đông người vãng lai, lao động, học tập như bệnh viện, trường học, ký túc xá, nhà trọ, quán cà phê, trung tâm mua sắm, siêu thị… Xử lý trên diện rộng 3 lần/năm (vào tháng 6, 7; tháng 9, 10; tháng 11) ở những khu vực nguy cơ bằng cách diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi. Các địa phương không được lơ là để dịch bệnh xảy ra trong dịp Tết”.
Còn bệnh TCM, tăng cường giám sát các trường mầm non để trẻ không mắc bệnh trong thời gian trước Tết. “Ở khu vực trường, nếu chủ quan dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu phát hiện và xử lý sớm thì sẽ ngăn chặn được dịch lây lan. Do đó, việc vệ sinh, khử khuẩn ở trường học phải được duy trì thường xuyên. Khi nghi ngờ học sinh bị bệnh là phải cho nghỉ học ngay, thà chúng ta lầm còn hơn để dịch lây lan. Tuy vậy, ngành y tế phải phối hợp với ngành giáo dục để tuyên truyền cho phụ huynh hiểu. Tránh tình trạng phụ huynh trách móc cô giáo là con tôi không có bệnh, sao nhà trường bắt nghỉ học”, bác sĩ Thọ nhấn mạnh.
Đại diện Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cũng cho biết: “Trước, trong và sau Tết nhiều dịch bệnh xuất hiện. Chẳng hạn như cúm gia cầm, tả, tiêu chảy cấp, rubella, sởi, thủy đậu… Ở khu vực trường học, sau Tết, học sinh sẽ đi học trở lại. Lúc đó, các em có thể đem bệnh vào trường. Vì vậy, ngành y tế cần chú ý hơn công tác vệ sinh, phòng bệnh ở khu vực trường học, không chỉ là trường mầm non mà cả tiểu học và THCS, THPT”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)