Từ quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã xây dựng gần 170 quy hoạch chi tiết 1/2000 nhưng gần 30% không khả thi.
Tại cuộc họp báo ngày 5-1, Thanh tra Chính phủ cho biết đã hoàn tất cuộc thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất ở TP.HCM. Thủ tướng cũng đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và yêu cầu UBND TP.HCM cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện.
Quy hoạch chưa đi trước một bước
Theo kết luận thanh tra này, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2010 trên địa bàn TP đều không đúng yêu cầu về thời gian luật định, chất lượng thấp. Quy hoạch chưa đi trước một bước nên rất nhiều trường hợp, dự án được phê duyệt giao đất trước khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Kế hoạch sử dụng đất 2006-2010 (định hướng tới 2020) của 24 quận, huyện phải đến cuối 2008 mới được Sở TN&MT trình TP phê duyệt. Do đó, từ 2006-2009, các dự án của quận, huyện phải giao đất, triển khai “chay”, giá trị pháp lý thấp.
Công tác quy hoạch xây dựng của TP cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Quy hoạch chung cấp TP đến 2020 (được phê duyệt năm 1998) chưa đảm bảo các chỉ tiêu quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Hiện trạng sử dụng đất năm 2005 không đúng với quy hoạch này, dẫn tới giảm diện tích cây xanh hơn 2.200 ha, bãi đậu xe giảm 1.780 ha, chỉ tiêu công viên cây xanh chỉ đạt 2,9 m2/người, bằng 2/3 quy hoạch.
Đáng chú ý, theo quy hoạch chung này, khu vực Tây-Nam dọc theo QL1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh không thuộc hướng ưu tiên phát triển. Thế nhưng thực tế, khu vực này đã phát triển ngoài dự báo quy hoạch chung, bao gồm cả quy mô dân số (gấp 2,7 lần) và số cơ sở kinh tế.
Nhiều quy hoạch không khả thi
Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình xây dựng quy hoạch chung TP đến 2025 (phê duyệt 2010) kéo dài 12 năm, trong khi theo quy định cứ năm năm phải điều chỉnh một lần cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nên quy hoạch này thiếu chính xác.
Từ quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã xây dựng gần 170 quy hoạch chi tiết 1/2000 nhưng gần 30% không khả thi. Nhiều quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan này phê duyệt lại không phù hợp với quy hoạch 1/2000. Hệ quả, khu dân cư ấp 4 Tân Tạo, khu dân cư Phú Mỹ… xác định độ cao san nền bất hợp lý, gây ngập đường, tràn nước bẩn vào nhà dân. Chất lượng quy hoạch và phê duyệt quy hoạch xây dựng của BQL khu Nam cũng không khá hơn. 11 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép xây dựng đều không đảm bảo cốt nền tối thiểu theo quyết định của Thủ tướng, nên những dự án này khi đi vào triển khai rất dễ bị ngập úng.
Việc thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng cũng còn nhiều bất cập, chậm khắc phục. Hầu hết dự án đầu tư phát triển khu dân cư quy mô nhỏ dưới 50 ha, thậm chí kể cả loại lớn hơn đều lấy vào quỹ đất trống, đất nông nghiệp để giảm chi phí bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, các dự án này, như dự án khu dân cư Tân Tạo, dự án An Lạc – Bình Trị Đông, khu dân cư Lý Chiêu Hoàng… lại tập trung vào nhà thấp tầng, hệ số sử dụng đất thấp. Điều này có thể gây thiếu hụt lớn quỹ đất TP trong tương lai.
Chỉ đạo xử lý trách nhiệm
Thanh tra Chính phủ kết luận nguyên nhân dẫn tới các khuyết điểm vi phạm trên, về chủ quan, là do UBND TP.HCM, các sở, ngành, các cấp chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật, buông lỏng trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đội ngũ cán bộ quản lý quy hoạch vừa yếu vừa thiếu. Bên cạnh đó, có nguyên nhân khách quan từ hệ thống pháp luật, vừa thiếu đồng bộ, vừa trùng lắp, mâu thuẫn.
Từ nhận định này, kết luận thanh tra yêu cầu UBND TP chỉ đạo xử lý trách nhiệm các sở, ngành cùng BQL khu Nam, đồng thời sớm phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục cho khu đô thị mới Nam TP. Cần rà soát ngay những dự án có cốt nền xây dựng thấp hơn chuẩn tối thiểu, khắc phục kịp thời để tránh ngập lụt trong tương lai.
Ngoài nội dung trên, TP còn phải thu hồi về ngân sách hơn 554 tỉ đồng do tính toán, kê khai tiền sử dụng đất ở các dự án chưa đúng quy định.
NGHĨA NHÂN (PL)
Bình luận (0)