Sự kiện giáo dụcTin tức

Thu nhập tăng thêm: Không có là vô lý

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 làm sổ sách, học bạ cho học sinh. Ảnh: H.Triều

Trong một số bài báo trước đây, Báo Giáo Dục TP.HCM đã phản ánh năm nay thu nhập tăng thêm của giáo viên tương đương 1-2 tháng lương. Tuy vậy, cũng có những trường không có quỹ kết dư để chi tăng thu nhập cuối năm. Những ngày gần đây, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của nhiều giáo viên cho biết không có khoản thu nhập này.
Về vấn đề này, bà Hà Thanh Tuyền – Phó phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Nói không có thu nhập tăng thêm là vô lý, chỉ là có ít hay nhiều”.
Theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, từ năm học 2007-2008, các trường công lập bắt đầu được tự chủ về tài chính. Theo đó, nguồn thu tài chính của các trường gồm: Kinh phí do ngân sách cấp; nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp như học phí, cơ sở vật chất, văn hóa ngoài giờ, tiền học buổi thứ 2, bán trú; thu từ hoạt động dịch vụ như cho thuê mặt bằng, bãi giữ xe, căng tin; nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật…
Chi không thể vượt thu
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguồn kinh phí ngân sách cấp cho các trường thuộc Sở GD-ĐT (như trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng) phần lớn là tính trên đầu học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ở các trường do Phòng GD-ĐT quản lý (gồm các trường mầm non, tiểu học, THCS) thì tùy từng quận, huyện mà có cách cấp kinh phí khác nhau. Có quận, huyện thì cấp trên đầu học sinh, có quận, huyện lại căn cứ trên dự toán của các trường. Đó thường là những nơi sĩ số học sinh/lớp quá cao hoặc quá thấp, giáo viên thâm niên nhiều, trường có nhiều điểm lẻ…
“Nhiều nhất là 80% của nguồn thu tài chính của các trường được dùng để chi lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nếu vượt quá 80% thì hiệu trưởng phải báo với Phòng GD-ĐT (trường thuộc phòng), Sở GD-ĐT (trường thuộc sở) để Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT cùng Phòng Tài chính, Sở Tài chính xem xét, thống nhất trình UBND cấp thêm kinh phí”, bà Thanh Tuyền cho biết.
Và trên thực tế, theo bà Thanh Tuyền thì ngân sách cấp cho các trường năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước do học sinh tăng, mức lương tối thiểu tăng…
Ít nhất 20% nguồn thu tài chính còn lại của các trường được dùng để chi cho hoạt động dạy và học. “Nếu các trường tiết kiệm được những khoản này thì cuối năm sẽ có tiền tăng thu nhập cho giáo viên. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy không ít trường sử dụng chưa hết định biên nhân sự. Theo đó, kinh phí để chi lương chỉ chiếm khoảng 75% nguồn thu tài chính của trường. Như vậy là còn khoảng 5%, các trường dùng khoản này để chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên”, bà Thanh Tuyền cho biết thêm.
Cách chia tăng thu nhập
Do không có hướng dẫn chia tăng thu nhập nên cách chia của mỗi trường mỗi khác. Có trường thì chia theo mức lương; có trường lại dành 30-60% chia theo lương, còn lại chia đều… Dù là chia theo cách nào thì cũng gây phản ứng cho một bộ phận giáo viên. Nếu chi theo mức lương thì thiệt cho những giáo viên mới vào nghề, còn nếu chia đều thì thiệt cho giáo viên có thâm niên.
Về vấn đề này, bà Thanh Tuyền cho rằng: “Cách chia thu nhập tăng thêm dựa trên lương cấp bậc, chức vụ, hiệu suất công tác của từng cán bộ, giáo viên hoặc từng bộ phận được phân loại bình bầu theo A, B, C (hoặc chấm điểm theo các nhiệm vụ hoàn thành công việc trong năm). Từ đó xây dựng hệ số trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức”.
Và theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM thì thu nhập tăng thêm được chia theo tháng. Tức làm bao nhiêu tháng thì hưởng bấy nhiêu. Điều đó cũng có nghĩa những cán bộ, giáo viên về hưu, chuyển công tác cũng được hưởng thu nhập tăng thêm.
Đơn cử, năm học 2011-2012, TP.HCM có 4 trường THPT công lập được đưa vào sử dụng. Khá nhiều cán bộ, giáo viên của 4 trường này được chuyển từ các trường THPT khác qua. Do vậy, những trường cũ – nơi mà các thầy, cô giáo của 4 trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Tất Thành, Bình Tân, Bình Hưng Hòa đã từng công tác từ ngày 1-1-2011 đến khi chuyển sang trường mới sẽ phải trả thu nhập tăng thêm tương ứng với khoảng thời gian trên cho các thầy, cô này.
Cũng theo bà Tuyền thì nguồn chi tăng thu nhập cuối năm bằng nguồn ngân sách cấp cộng với nguồn thu của trường trừ đi số chi của cả năm. Tuy nhiên không phải hiệu trưởng nào cũng hiểu. Theo đó, có trường mỗi tháng đã chia cho giáo viên 2-3 trăm ngàn từ nguồn thu bãi giữ xe, căng tin. Vì vậy, cuối năm còn lại rất ít.
Hòa Triều 

Bình luận (0)