Chủ trương đào tạo liên thông thực ra đã có từ lâu. Trước đây, nhiều người học hết lớp 7 phổ thông (tương đương tốt nghiệp lớp 9 THCS hiện nay) đã được tuyển vào các trường trung cấp sư phạm, sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng làm giáo viên THCS rồi từ đó lại học tiếp để làm giáo viên THPT…
Ngày nay, đào tạo liên thông ngày càng mở rộng và đa dạng vì nhưng học theo kiểu gì, cách gì cũng cần bảo đảm chất lượng và phải tuân theo những quy luật của khoa học giáo dục. Cách làm như vừa qua là chưa bảo đảm chất lượng tuyển sinh, thậm chí còn bị lợi dụng bởi tâm lý chạy theo bằng cấp, không muốn đi học nghề mà chỉ muốn có bằng cử nhân.
Có nhiều trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp liên kết với các trường ĐH để thu hút người học vào đào tạo liên thông. Nhiều trường ĐH cũng lợi dụng việc liên thông liên kết này để có thu nhập thêm mà không phải tuyển sinh và tổ chức trường lớp vì các trường trung cấp đã thành “quán trọ” của học sinh và việc học nghề chỉ là “bến đợi” để liên thông lên ĐH. Hệ lụy của việc học liên thông gắn với liên kết đào tạo là gây khó khăn cho việc quản lý dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sản phẩm là thầy không ra thầy, thợ không ra thợ.
Để chủ trương đào tạo liên thông có chất lượng, ngành giáo dục cũng như các ngành có trường chuyên nghiệp và ĐH phải tăng cường quản lý việc tuyển sinh lẫn quá trình đào tạo. Trước mắt, người học dù học ở trường nào hay tự học, muốn được tuyển vào ĐH hoặc được cấp bằng cử nhân đều phải kinh qua các kỳ thi khảo hạch như thi tuyển chung của quốc gia hay do nhà trường tổ chức.
Cho nên, chủ trương quy định sinh viên hệ trung cấp, CĐ học liên thông phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, vì thế, rất nên áp dụng. Cũng không nên xét tuyển vì vốn tiềm ẩn nhiều lỗ hổng, dễ dẫn đến tiêu cực.
Theo Trần Hữu Trù
(nld)
Bình luận (0)