Sự kiện giáo dụcTin tức

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn: Xác định đầu ra mới chọn đầu vào

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11-1, Chính phủ  tổ chức hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1956 về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956).Sau 2 năm thực hiện đề án, đến nay có gần 800 ngàn lượt người được học nghề, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ở 54 tỉnh, thành phố đạt trên 70%, đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức thí điểm mô hình dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn và xây dựng được một số mô hình tiên tiến. Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, giai đoạn 2011-2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn. Khoảng 120 ngàn người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế được học nghề theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành công nhưng trong thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có những hạn chế phải khắc phục. Vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị năm 2012, sẽ tiếp tục đào tạo khoảng 600 ngàn lượt người. Về phía người nông dân, cần xác định rõ đầu ra của công việc rồi mới xác định mình sẽ đăng ký học nghề gì. Phó thủ tướng khẳng định nếu chưa xác định được học xong mình làm gì thì chưa nên đi học vội. Phó  thủ tướng cũng yêu cầu, trong quý 2/2012, các địa phương cần cơ bản khắc phục được “4 thiếu”, đó là thiếu đề án cấp địa phương, thiếu biên chế cho công tác dạy nghề ở cấp huyện, thiếu ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn ở 11% số huyện và 27% số xã trên cả nước, thiếu quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của 9 tỉnh.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)