Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngành giáo dục tiếp tục đổi mới toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Thủ Thiêm, TP.HCM vui mừng với ngôi trường mới. Ảnh: Q.Huy

Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục (GD) 2001-2010 và bước đầu thực hiện chiến lược GD giai đoạn 2011-2020, ngành GD đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Nguồn nhân lực được đào tạo ngày càng chuẩn hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Nhân dịp toàn ngành cùng cả nước bước sang năm 2012 và đón xuân Nhâm Thìn, chúng ta cùng nhìn lại những thành quả đạt được và định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Một số kết quả nổi bật
Sau 25 năm đổi mới của đất nước và 10 năm thực hiện chiến lược phát triển GD 2001-2010, ngành GD đã từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, có nhiều đóng góp cho phát triển chung của đất nước. Trong năm vừa qua, các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả ngày càng rõ nét. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh trong toàn ngành. Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” đã trở thành suy nghĩ, việc làm, thước đo phấn đấu của nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Năm 2011 ngành GD cũng đã tổ chức tổng kết 4 năm  thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD; sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, ngành đã đánh giá được kết quả thực hiện, rút được những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Công tác đổi mới quản lý GD được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực. Toàn ngành đã đẩy mạnh phân cấp thực hiện NĐ 115/2010 – CP của Chính phủ. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT (Thông tư số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV), qua đó thay đổi cơ bản công tác quản lí GD ở các cấp, bảo đảm phân cấp triệt để nhưng thống nhất, tập trung và thông suốt trong hệ thống. Tiếp tục đổi mới quản lí GD đại học theo hướng: Đổi mới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT); Đổi mới việc mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo (Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT và số 08/2011/TT-BGDĐT); Tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và các cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội.
Bộ GD-ĐT cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với GD đại học.
Ngoài ra, kết quả của ngành đạt được còn thể hiện trong việc tập trung đổi mới nội dung bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng gắn hoạt động với tầm nhìn lãnh đạo, bồi dưỡng năng lực quản lý thích ứng trong điều kiện có nhiều thay đổi với vai trò tự chủ của nhà trường; việc thực hiện 3 công khai đã nhận được sự đồng thuận của các cơ sở GD và xã hội; công tác quy hoạch được chú trọng, quản lý Nhà nước về GD đã có tiến bộ, trong đó quản lý chất lượng GD được thực hiện ngày một thực chất hơn và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành…
Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD-ĐT, các trường đại học và chuyên nghiệp tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng GD toàn diện, đặc biệt là GD đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực, tệ nạn trong học sinh, sinh viên.
Năm 2011 cũng là năm GD phổ thông tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ra đề kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; Tăng cường triển khai dạy kĩ năng sống cho học sinh; Tích hợp các môn học và hoạt động GD nhằm thực hiện các nội dung GD và không quá tải cho học sinh; Triển khai dạy và học thí điểm chương trình tiếng Anh bắt buộc ở cấp tiểu học tại 20 tỉnh, 92 trường tiểu học với 13 ngàn học sinh; triển khai Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. GD phổ thông cũng tiếp tục đánh giá sâu và điều chỉnh chương trình ở một số môn học; dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng; chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm; tất cả các tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập GD trung học cơ sở. GD dân tộc được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Quy mô phát triển trường lớp của các cấp học, loại hình học tập đều tăng; các trường trung cấp chuyên nghiệp được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo; tăng số lượng các trung tâm GD thường xuyên cấp tỉnh, huyện và trung tâm học tập cộng đồng. Chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ giáo viên được đẩy nhanh và đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu kế hoạch, hạ tầng công nghệ thông tin được cải thiện. Các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, từ hợp tác quốc tế cho GD tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, đề án ngoại ngữ quốc gia cũng bắt đầu được triển khai thí điểm. Đây là sự cố gắng của ngành để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên hướng tới hội nhập sâu và rộng trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đời sống giáo viên cũng đã được quan tâm. Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ ban hành phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã góp phần cải thiện đời sống của đội ngũ giáo viên hiện nay. Theo đó nhà giáo đủ 5 năm giảng dạy sẽ được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi bước đầu đạt kết quả
Qua một năm thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, bộ đã hướng dẫn các địa phương tập trung vào một số mục tiêu: quy hoạch đất đai, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ đời sống giáo viên ngoài công lập. Bộ cũng đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 5 tuổi. Theo đó bắt đầu từ năm học 2011-2012, các trẻ em 5 tuổi thuộc các vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, các đối tượng chính sách sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa là 120 ngàn đồng/tháng . Các tỉnh, thành phố đã tích cực chuẩn bị cho việc PCGDMN cho trẻ 5 tuổi theo lộ trình đã đề ra. Nhiều tỉnh đã chỉ đạo ngành GD và các ngành liên quan tập trung nguồn lực xây dựng trường, lớp, giao quỹ đất, cải tạo phòng học, trang bị các bộ thiết bị tối thiểu để thực hiện chương trình, thực hiện các chính sách cho giáo viên và trẻ em nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ để đạt được các điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập.
Nhìn chung, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rất khẩn trương, quyết liệt, chuẩn bị chu đáo từng bước để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phổ cập GD mầm non 5 tuổi trên địa bàn theo kế hoạch được duyệt.  
Riêng TP.HCM, nhiều năm là một trong những đơn vị dẫn đầu về GD-ĐT của cả nước. Với sự chỉ đạo của Thành ủy, quyết tâm của UBND và của Sở GD-ĐT như thời gian qua, việc TP.HCM cơ bản hoàn thành mục tiêu PCGDMN 5 tuổi vào năm 2012 và đến năm 2013 số trẻ học hai buổi/ ngày sẽ đạt tỉ lệ 100% là có cơ sở vững vàng.
Đối với đội ngũ thầy cô giáo, thời gian qua, thu nhập giáo viên còn hạn chế trong điều kiện chung của khối hành chính sự nghiệp như ngành y tế, GD và nói chung là của cán bộ công chức Nhà nước. Nhà nước đã liên tục tăng lương, từ năm 2006 đến 2010, quỹ lương tăng hơn 2 lần. Riêng ngành GD còn có hệ số ưu đãi đứng lớp bình quân toàn ngành là 35%. Ngoài phụ cấp ưu đãi đứng lớp, Nhà nước đã thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên; đặc biệt đối với giáo viên mầm non hợp đồng sẽ được trả lương theo thang bảng lương và được nâng lương theo định kì. Đồng thời, cũng với chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi, tỷ lệ giáo viên mầm non vào biên chế tại các địa phương đã và sẽ được tăng lên. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các giáo viên mầm non gắn bó với nghề. 
Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện
Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn tới, toàn ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nền GD. Triển khai có hiệu quả, sáng tạo các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngành GD sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục đổi mới quản lý GD; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp GD ở các cấp học nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; triển khai công tác kế hoạch, tài chính, tăng cường cơ sở vật chất và đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế. Đối với GD đại học, bộ cũng sẽ có nhiều đổi mới để tiến tới giảm nhẹ thi cử, tăng quyền tự chủ cho các trường. Đồng thời, cũng yêu cầu các trường thực hiện triệt để 3 công khai để người học, dư luận có thể giám sát.
Nghiêm Huê – Văn Mạnh 

Bình luận (0)