Sự kiện giáo dụcTin tức

Hành xác trên những chuyến xe “nhồi” vào Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày chẵn, khách ùn ùn kéo ra đón xe vào Nam

Đến hẹn lại lên, sau những ngày về quê nghỉ Tết, hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn lao động, sinh viên từ các miền quê ở các tỉnh miền Trung lại tất bật khăn gói lên đường Nam tiến. Điệp khúc hành xác trên những chuyến xe “nhồi” lại bắt đầu…
Loạn “xe dù, bến cóc”
“Có trong vai một hành khách đi xe mới thấm thía hết nỗi cực nhọc của những người đi xe khách trong những ngày này”, một đồng nghiệp vừa về nghỉ Tết ở Quảng Bình trở lại Đà Nẵng để tiếp tục công việc nói với tôi như vậy. Rảo quanh một vòng từ Bến xe Trung tâm TP.Đà Nẵng đến chân hầm Hải Vân – nơi có cung đường dành cho tuyến xe đi miền Nam không có bến đỗ tại Đà Nẵng mới thấy hết cảnh người ngồi, kẻ đứng trong cái giá lạnh và mưa phùn để chờ chực những chuyến xe vào Nam. Tình trạng xe dù, bến cóc vì thế lộng hành.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cho biết, từ mồng 1 Tết đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện gần 100 trường hợp xe khách chở quá số người quy định. Đặc biệt, trong các ngày chẵn như mồng 4, 6, 8 Tết, tại khu vực trước Bến xe Đà Nẵng và khu vực ngã ba Huế, hàng chục “xe dù” ngang nhiên quần thảo, bắt khách bất chấp cả lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Gần nhất, tại Trạm giao thông Kim Liên (Liên Chiểu, thuộc Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) chỉ trong ngày 30-1 (tức mồng 8 Tết) đã có 25 trường hợp chở quá khách quy định, hầu hết đều trên 10 người, có xe chở vượt đến 30 khách.
Còn đối với những tuyến xuất phát từ nội thị thành phố, theo phản ánh của rất nhiều hành khách đi xe các tuyến Đà Nẵng – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Đà Nẵng – Quảng Nam, Quảng Ngãi… khi đi các loại xe này, hành khách vẫn bị nhồi nhét, lái xe khi vừa xuất bến không bao giờ chạy thẳng mà cứ quần đảo cả giờ đồng hồ mới xuất phát. Nếu hành khách kêu la thì phụ xe ra bảo: “Làm ăn cả năm đói lắm bà con ạ, bà con chịu khó 5 phút nữa xe sẽ chạy”. Đó là chưa kể nhiều xe còn dùng nhiều chiêu để lừa khách đi đường. Cụ thể là các xe này chạy tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tuy nhiên, khi vừa xuất bến thì lái xe ngay lập tức thay biển tuyến “Quảng Ngãi” bằng một tấm biển “Quy Nhơn” để đánh lừa khách. Sau khi thu tiền khách xong, đến Quảng Ngãi thì lái xe “bán” khách sang xe khác với lý do “xe ít khách quá nên không chạy tới Quy Nhơn được, bà con thông cảm”.
Khách đua nhau đi ngày chẵn

Tình trạng nhồi nhét hành khách trên những chuyến xe sau Tết

Theo quan niệm của nhiều người, khi xuất hành đều chọn ngày chẵn, ngày tốt. Đó cũng là cơ hội để các chủ xe tha hồ nhồi nhét, ép giá hành khách. Có mặt trên tuyến QL 1A đoạn từ ngã ba Huế (Đà Nẵng) đến thị trấn Vĩnh Điện (Quảng Nam) trong ngày 30-1, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm người đứng chờ chực, tranh giành nhau để bắt xe dọc hai bên đường vào các tỉnh phía Nam. “Lẽ ra chúng tôi bắt đầu làm việc từ hôm nay nhưng hôm nay mới là ngày xuất hành tốt nên đành trễ làm việc một ngày. Thế mà đứng đón xe từ sáng tới giờ đã gần 10 tiếng đồng hồ rồi vẫn chưa đón được xe nào. Xe nào cũng chật kín người, không biết khi nào mới có xe để đi đây”, anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Quảng Nam đang đứng đón xe ở QL1A nói như than.
Không riêng anh Hải, nhiều đoạn qua QL1A ở Đà Nẵng, Quảng Nam, nhiều hành khách tỏ ra mệt mỏi vì đứng đón xe trong cả buổi sáng từ mồng 6 Tết rồi lại dời sang ngày mồng 8 Tết mà vẫn chưa được. Theo những lao động có “kinh nghiệm” đi xe từ nhiều năm thì vào những ngày này, hầu hết các xe khách chạy tuyến Đà Nẵng vào các tỉnh phía Nam khi đến đây thì đều đã kín chỗ, hành khách chấp nhận ngồi cả lên sàn xe, thậm chí nằm trong khoang hành lý thì mới mong đi được đến nơi làm việc, học hành.
Tình trạng xe dù, bến cóc, chặt chém hành khách một phần do các bến xe, nhà ga tuy đã huy động hết tổng lực phương tiện lẫn con người phục vụ nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu do lượng hành khách Nam tiến quá đông đúc. Theo ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong những ngày sau Tết, Công ty cổ phần Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng huy động tổng lực phương tiện để phục vụ cho các tuyến đi TP.HCM (83 xe), Buôn Ma Thuột (34 xe), Gia Lai (32 xe), Kon Tum (25 xe)… Tuy nhiên, năm nay, lượng khách đi vào các tỉnh phía Nam sau Tết tăng hơn năm ngoái. Vì thế, vé đi các ngày chẵn, như: mồng 4, mồng 6, 8, 10, 12 đều đã hết.
Tại Ga Đà Nẵng, ông Đỗ Thái Lâm, Phó trưởng Ga Đà Nẵng cũng cho biết: Vé tàu đi từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng giêng đã bán hết. Trung bình mỗi ngày có từ 600-700 hành khách xuất phát từ Ga Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, từ trong tối mồng 4 đến mồng 6, Ga Đà Nẵng đã phải tăng cường thêm 2 đoàn tàu (700 ghế/đoàn tàu) đi TP.HCM nhằm giải quyết nhu cầu của hành khách tăng cao. Thế nhưng, sau mồng 10 thì lượng khách đi các tỉnh phía Nam sẽ giảm mỗi ngày.
Theo khảo giá của chúng tôi, hiện tại, giá cước đi các tuyến phía Nam đã nhiều lần so với quy định hiện hành (tăng 60% so với ngày thường). Cụ thể, trong ngày 30-1, giá vé đối với loại xe thường là 380.000 đồng/người/lượt; đối với xe chất lượng cao (ghế ngồi) là 450.000-520.000 đồng/người/lượt; đối với xe chất lượng cao (giường nằm) là 700.000 đồng/người/lượt…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an TP.Đà Nẵng) từ ngày 23 đến 30-1 (tức mồng 1 đến mồng 8), lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý trên 300 trường hợp ô tô khách, xe con, mô tô vi phạm nhồi nhét khách, chạy quá tốc độ. Được biết, với các trường hợp nhồi nhét khách vượt quá quy định, các tài xế sẽ bị giữ giấy phép lái xe, chủ xe phải nộp phạt 400.000 đồng/một hành khách quá quy định. Các tài xế chạy quá tốc độ từ 10-25km/h bị xử phạt từ 400.000 đồng – 2,5 triệu đồng/trường hợp. 
 

Bình luận (0)