Theo khuyến cáo của bác sĩ, trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất
|
Những ngày này, người dân TP.HCM đặc biệt quan tâm đến sự xuất hiện và lây lan của bệnh nhiễm não mô cầu. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố đã có 10 ca bệnh, trong đó có 7 ca là trẻ em. Bệnh đã lan ra 10 quận, huyện là 7, 8, 9, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh và Củ Chi. Ngoài TP.HCM, các địa phương khác như Hà Nội, Long An, Bình Phước và Quảng Trị cũng đã xuất hiện bệnh nhân nhiễm não mô cầu.
Nhiễm não mô cầu là bệnh như thế nào, mức độ nguy hiểm đến đâu… Để giải đáp những thắc mắc này, phóng viên Giáo Dục TP.HCM đã phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM).
PV: Thưa ông, nhiễm não mô cầu có phải là bệnh mới xuất hiện ở TP.HCM?
– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nhiễm não mô cầu không phải là một bệnh mới. Hàng năm, Bệnh viện Nhi đồng I vẫn tiếp nhận rải rác các trường hợp nhiễm não mô cầu. Phần lớn trong số đó là ca nhẹ, ca nặng chỉ chiếm rất ít. Bệnh nhiễm não mô cầu đã có vắc-xin phòng bệnh nhưng chỉ những trẻ trên 2 tuổi mới được tiêm loại vắc-xin này. Trong khi đó, trẻ dưới 2 tuổi lại là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nói như vậy không có nghĩa là các lứa tuổi khác không nhiễm não mô cầu. Trên thực tế cả người lớn cũng mắc bệnh này.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm não mô cầu là gì, thưa ông?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang khám cho một bệnh nhi nghi nhiễm não mô cầu (ảnh chụp sáng 2-2)
|
– Bệnh nhân đột ngột sốt cao từ 39 đến 40 độ. Sau đó xuất hiện các chấm hoặc mãng suất huyết có màu đỏ hoặc tím sẫm. Những chấm và mãng này càng nhiều, lan càng nhanh thì bệnh càng nặng. Với những ca nặng có thể dẫn đến tử vong. Đối với các mãng suất huyết rộng thường có hoại tử (loét) ở giữa. Ngoài ra, bệnh nhiễm não mô cầu còn có triệu chứng lâm sàng là viêm não với các biểu hiện sốt cao, nhức đầu, nôn ói…
Ông có thể cho biết thời gian nào là thuận lợi để bệnh nhiễm não mô cầu xuất hiện và dễ gây thành dịch nhất trong năm?
– Bệnh nhiễm não mô cầu thường xuất hiện vào mùa lạnh và ở những khu vực đông người như khu nhà trọ, trường học, xí nghiệp… Sau Tết là thời điểm bệnh dễ lây lan và khó kiểm soát vì lượng người từ các tỉnh về lại thành phố rất đông. Theo đó, những người này có thể mang theo mầm bệnh.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, xin ông cho biết cách phòng chống bệnh nhiễm não mô cầu?
– Vi khuẩn não mô cầu thường cư trú tại vùng mũi họng của người bệnh. Tại cộng đồng có khoảng 10-20% người lành mang trùng, còn tại nơi có ổ dịch tỷ lệ này có thể lên đến 40-50%. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các hạt nước bọt và các dịch tiết mũi họng của người bệnh. Do vậy cách phòng bệnh tốt nhất là phải thường xuyên rửa tay, súc miệng bằng dung dịch diệt khuẩn hoặc nước muối. Đặc biệt, những người mắc bệnh tai mũi họng phải chữa cho dứt bệnh.
Bên cạnh đó, cần phải phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để cách ly và cho những người xung quanh uống thuốc theo hướng dẫn của ngành y tế.
Xin cám ơn ông!
Hòa Triều (thực hiện)
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: Thành phố đang tập trung tuyên truyền, cử nhân viên y tế xuống tận cơ sở như trường học, nhà máy, công sở để tập huấn về các triệu chứng của bệnh. Qua đó, người dân sẽ biết cách phòng bệnh, tránh được nguy cơ lây lan khi có trường hợp nhiễm bệnh. Đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm não mô cầu đều được theo dõi, kiểm tra sức khỏe và uống thuốc dự phòng. Ngành y tế cũng đã thực hiện sát trùng khử khuẩn khu vực có người bệnh để ngăn chặn lây lan dịch. |
Bình luận (0)