Sự kiện giáo dụcTin tức

Vĩnh biệt GS.NGND Lê Trí Viễn – Người nặng nợ với văn chương

Tạp Chí Giáo Dục

Các thế hệ học trò chúc mừng GS.NGND Lê Trí Viễn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Tôi có cơ hội được gặp thầy rất nhiều lần, khi thì ở nhà riêng, lúc tại trường để hàn huyên chuyện thơ văn, nói về chuyện dạy và học hay chuyện đời. Nhờ những “dịp may” đó, tôi học được ở thầy – ông giáo nặng nợ với văn chương – một ý chí kiên cường và tinh thần tự học đáng nể.
Tự học để thành tài
Vì nhà đông con (9 người) nên các anh chị của thầy phần lớn không được học hành tới nơi tới chốn. Như một phép bù trừ, cha mẹ cậu bé Viễn ngày ấy tìm mọi cách đầu tư cho con trai út ăn học cho “bằng bạn bằng bè”. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi có bằng thành chung, chàng thanh niên họ Lê học một năm sư phạm rồi đi dạy học (năm 1939). Lúc này thầy về công tác tại Trường Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đi dạy bận bịu đủ đường nhưng thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn luôn chủ động sắp xếp thời gian để tự học với mục đích không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn để lấy mảnh bằng cao hơn. Dạy học được một năm, thầy quyết định xin nghỉ một năm để ra Huế “học thêm” và làm thêm công việc giám thị ở Trường Trung học Khải Định hầu nuôi sống bản thân. Sau 6 năm “vừa học vừa làm”, năm 1945, thầy thi đỗ tú tài 2 ngành triết với thứ hạng thủ khoa (thi tú tài 2 thời ấy chỉ có hai ngành toán và triết).
Ngoại ngữ cũng là thế mạnh của thầy. Từ bé thầy đã được học chữ Nôm, chữ Hán với cha. Lớn lên thầy tự học tiếng Pháp rồi tiếng Anh. Với vốn ngoại ngữ phong phú, bên cạnh nghề “đứng lớp”, thầy còn là một dịch giả. Thầy đã dịch nhiều bài thơ yêu nước và một số tác phẩm nổi tiếng của V.Hugo, H.Balzac, A.Dante, Lỗ Tấn và những tác phẩm viết bằng chữ Hán của hai nhà văn Việt Nam: Bùi Huy Bích, Phan Khôi.
Nặng nợ với văn chương
Thuở nhỏ, Lê Trí Viễn thường được nghe cha và các bằng hữu bình thơ, xướng họa hàng đêm nên thi ca đã “thấm” vào tâm hồn cậu. Thời điểm đó, thỉnh thoảng cậu cũng tập tành sáng tác. Nhưng phải đợi đến thời gian đi dạy thì những tác phẩm của thầy giáo Viễn mới tạo được tiếng vang. Thầy đã cho công bố gần 50 tác phẩm lẫn công trình như: Lược thảo lịch sử Văn học Việt Nam dày hơn 1.000 trang, gồm 3 tập (năm 1958); Một số vấn đề lịch sử văn học Việt Nam (năm 1961); Những bài giảng văn ở đại học (năm 1982); Bình thơ xuân (năm 1986); Tìm hương trong văn Hồ Chí Minh (năm 1986); Đến với thơ hay (năm 1997)… Đối với văn học Việt Nam, thầy chuyên sâu về phần văn học cổ điển với một số tác phẩm tiêu biểu như Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (năm 1996), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (năm 1998)…
T.T.Q
GS.NGND Lê Trí Viễn sinh năm 1919, tại xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nguyên giảng viên – lãnh đạo Khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM; nguyên Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến, đã nghỉ hưu. Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Từ trần lúc 8h50 ngày 3-2-2012, thọ 95 tuổi.
 

Bình luận (0)