Sự kiện giáo dụcTin tức

Hơn chục ngàn học sinh được “giải tỏa” thắc mắc Hơn chục ngàn học sinh được “giải tỏa” thắc mắc

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh được tư vấn tuyển sinh tại các gian hàng

Hơn 10 ngàn học sinh TP.HCM và các tỉnh lân cận, trên 80 trường ĐH-CĐ-TCCN… đã quy tụ về Ngày hội tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh năm 2012 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày 18-2 tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng.
Tư vấn chọn đúng ngành, học đúng trường…
Như mọi năm, những ngành thuộc lĩnh vực kinh tế được xem là “hot” thì năm nay tiếp tục thu hút sự quan tâm của thí sinh. Không chỉ những em học lực khá – giỏi, cả những em sức học “bình bình” cũng có nguyện vọng đầu quân vào. Em Nguyễn Huỳnh Trúc Linh (Trung tâm GDTX quận Tân Bình) băn khoăn, dù chỉ học ở mức trung bình thôi nhưng em rất thích ngành tài chính ngân hàng. Song em không khỏi e ngại vì chọn thi như vậy có vẻ mạo hiểm. ThS. Trần Duy Can (Phòng Quản lý đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) giải thích: “Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing, thậm chí có những trường đào tạo thiên về khối ngành kỹ thuật cũng có đào tạo ngành tài chính ngân hàng. Ngành này được đào tạo ở cả hai bậc ĐH và CĐ, nếu học sinh học không được khá mà vẫn quyết tâm theo đuổi thì nên xem thông tin tổng thể về chỉ tiêu, điểm chuẩn vào ngành này tại các trường có đào tạo những năm gần đây hoặc những trường chỉ xét tuyển mà không qua thi. Từ đó, các em căn cứ sức học của mình để xác định chọn những nhóm trường có thể đăng ký”. Đồng quan điểm, TS. Phan Ngọc Minh (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng nhắn nhủ, nếu học sinh cảm thấy không đủ tự tin để thi ĐH có thể chọn thi CĐ, rồi liên thông lên ĐH và khi đó, vẫn đạt được mục tiêu cơ bản là có tấm bằng ĐH. Lộ trình này vừa sức và đảm bảo cơ hội thi đậu cao hơn cho thí sinh.
Những ngành cũ nhưng năm nay được tuyển bổ sung thêm khối mới vì thế cũng tiếp tục nảy sinh những mối quan tâm mới. Em Hồng Nga (lớp 12C3, Trường THPT Thanh Bình) thắc mắc, đề thi môn tiếng Anh ở hai khối A1 và D1 có ngang nhau không. ThS. Trần Duy Can giải thích, rất khó để xác định đề thi tiếng Anh ở khối nào khó hơn, nhưng về cơ bản, đề thi vẫn nằm trong kiến thức phổ thông. Nếu thí sinh có nền tảng kiến thức và ôn tập tốt thì sẽ có cơ hội thi đậu. Bên cạnh đó, những thí sinh chọn thi cả khối A1 và D1 sẽ gặp thuận lợi ở chỗ sẽ chỉ ôn bổ sung thêm một trong hai môn lý hoặc văn vì cơ bản đã chung hai môn toán và ngoại ngữ. Tuy nhiên, thí sinh chọn thi khối mới nên cân nhắc thật kỹ bởi hiện nay, các trường không đồng loạt xét tuyển khối này, nếu không nắm chắc thông tin có khi các em lại đăng ký nhầm vào trường không xét tuyển.
Giảm tải áp lực mùa thi

Thí sinh đặt câu hỏi tại ngày hội

Tránh học nhồi nhét, ăn ngủ điều độ, đúng giờ giấc… là những kinh nghiệm có vẻ rất bình thường nhưng lại giúp quá trình học tập thi cử hiệu quả. Đây là mối quan tâm rất lớn của nhiều thí sinh trong thời điểm hiện nay và đã được ban tư vấn kịp thời định hướng, hướng dẫn. BS. Trương Trọng Hoàng (Phó chủ nhiệm Bộ môn khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) khuyến cáo, thực tế chỉ cần một chế độ dinh dưỡng tốt, cung cấp đủ vitamin là đã giúp các em giảm căng thẳng. Các loại thuốc được xem là bổ não, kích thích não… lại có hại, thường chỉ được dùng chữa bệnh, nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ đem lại hậu quả xấu. Em Ngọc Thảo (lớp 12 Trường THPT Thống Nhất A, Đồng Nai) lo lắng việc “tải” quá nhiều bài vở cùng với căng thẳng khiến em “bỗng dưng”… không còn nhớ được gì khi vào phòng thi. Đây có lẽ cũng là… chứng bệnh thường gặp ở nhiều thí sinh mỗi mùa thi. ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, trước áp lực của những kỳ thi lớn như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ, nhiều học sinh bỏ thời gian học đêm học ngày, quên ăn quên ngủ. Bị quá tải, đến lúc vào phòng thi, các em đột nhiên quên tất cả. Một chế độ ăn ngủ điều độ sẽ giúp học sinh tránh được tình trạng trên. Quy trình nhớ thường gồm nhớ ngắn hạn và dài hạn, do đó, không chỉ học xong rồi thì… bỏ đó mà các em cần phải thường xuyên ôn tập, hệ thống lại kiến thức sẽ đảm bảo nhớ lâu.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): “Tôi mong muốn sau ngày hội này, tất cả học sinh đều được giải tỏa những thắc mắc, băn khoăn về định hướng chọn nghề nghiệp, các thủ tục giấy tờ, hồ sơ đăng ký dự thi… để tham gia vào kỳ thi ĐH-CĐ sắp tới”.
ThS. Tạ Văn Doanh (Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM): “Việc tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh: “Cùng bạn quyết định tương lai” của Báo Giáo Dục TP.HCM với sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM thực sự cần thiết, cung cấp đầy đủ thông tin cho các trường phổ thông, phụ huynh, học sinh; giúp các em trang bị được những kỹ năng, hiểu biết và lựa chọn đúng ngành nghề, khối thi, trường ĐH-CĐ cũng như hoàn thành tốt thủ tục, hồ sơ đăng ký… Bên cạnh đó, sắp tới, báo cũng sẽ tổ chức chương trình tư vấn “Tiếp bước trường thi” tại 20 tỉnh thành trong cả nước nhằm đem thông tin đến cho học sinh nhất là những em vùng sâu vùng xa”.
Ông Đỗ Văn Hùng (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng): “Đây là lần đầu tiên trường vinh dự được đồng tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh “Cùng bạn quyết định tương lai” với báo, chúng tôi rất mong muốn và quyết tâm phục vụ thật tốt ngày hội, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích trong kỳ thi tuyển sinh CĐ- ĐH năm nay”.

 

Bình luận (0)