Sự kiện giáo dụcTin tức

Sinh viên học sử “chê” làm ở bảo tàng

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trong giờ học ngày 29-2

Ngày càng có ít người say mê, chịu gắng sức làm việc tại các bảo tàng. Việc tuyển được người giỏi, người tài cho các ngành lịch sử, lưu trữ, bảo tàng đã là chuyện của mươi năm cũ… 
Nhiều cử nhân tốt nghiệp các ngành lưu trữ, lịch sử lại không viết nổi một tham luận hay soạn thảo cho ra một văn bản!
Nhu cầu có nhưng tuyển khó!
Tại hội nghị “Thực trạng chất lượng cử nhân ngành lịch sử – lưu trữ qua đánh giá của nhà tuyển dụng” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 29-2, TS. Phạm Thị Huệ (Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4) nêu thực tế, qua kiểm tra mới thấy tất cả các khâu nghiệp vụ văn thư lưu trữ tại nhiều đơn vị đều làm sai, lý do là đơn vị đó đã sử dụng nhân lực không có nghiệp vụ. Những yếu kém trên xuất phát từ tâm lý xem công tác văn thư lưu trữ là đơn giản, ai không có khả năng làm những việc khác thì bố trí đảm nhận khâu này. Thực tế “não nề” hơn khi nhiều nhân viên lưu trữ sau khi được tuyển dụng, đào tạo “đã đời” lại khăn gói ra đi với lý do công việc buồn tẻ hoặc có nguyện vọng chuyển sang làm một lĩnh vực trái ngành khác. Đơn cử như tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, trên 10 năm qua, số lượng cử nhân lịch sử “trụ” lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhân lực cho ngành khan hiếm khiến công tác đào tạo nhằm “sản sinh” ra một đội ngũ bài bản, có chuyên môn cũng càng trở nên cấp thiết. Thế nhưng, nếu như trước đây ngành lịch sử còn tuyển được người giỏi, khi tốt nghiệp giữ được những vị trí đầu ngành thì hiện nay, điều này được xem là quá khó. Sở dĩ đề cập đến công tác đào tạo ngành lịch sử bởi thời gian qua, đây là nguồn cung cấp nhân lực gần như là chủ chốt cho các bảo tàng. Lứa sinh viên đúng chuyên ngành bảo tàng học đầu tiên tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – một đơn vị được xem là “có tiếng” trong đào tạo nhân lực cho khối ngành xã hội tại khu vực phía Nam – thì sắp tới mới chính thức được tốt nghiệp. Đáng nói, theo TS. Phạm Hữu Công (Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), hầu như ngành lịch sử ngày càng có ít người theo học, vì vậy, đầu vào chỉ tuyển được thí sinh có sức học từ trung bình đến yếu, khó lòng kiếm được những em giỏi.
“Không được 10 phải được 5”
Tuyển sinh khó, đầu vào thấp, chương trình đào tạo được cho là nặng lý thuyết, thiếu sát sao thực tế có lẽ khó lòng tạo ra được những sản phẩm “ngon lành” làm hài lòng người sử dụng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (Phó trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Q.1 – TP.HCM) giải thích, vấn đề làm e ngại nhà tuyển dụng là ở chỗ SV ra trường rất kém kỹ năng, thiếu vốn hiểu biết về kiến thức xã hội. Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) dẫn chứng thêm, SV khoa lịch sử khi mới được tiếp nhận thường thiếu kinh nghiệm thực tế trầm trọng. Cụ thể trong công tác viết lách (viết các tham luận chẳng hạn), các em xây dựng đề cương một cách mông lung, trình bày dông dài không có cốt lõi, cả đoạn dài không chấm phẩy. TS. Phạm Hữu Công cũng đồng tình: “Đáng buồn là không chỉ với các tham luận, văn bản mà cả những luận văn tiến sĩ, thạc sĩ cũng chi chít lỗi. Việc sai chính tả có thể hiểu là… gõ nhầm, nhưng lại sai ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa thì không thể nào biện minh được”. Chưa hết, vì ngại tiếp cận, tích lũy tư liệu từ thực tế hay nghiên cứu từ hiện vật cụ thể, nhiều em cứ sao chép trên mạng hoặc các nguồn khác. Chính những điều này làm cho công tác nghiên cứu của cử nhân ngành này chưa thực sự được đánh giá cao.
Khan hiếm cơ hội chọn lựa, các nhà tuyển dụng không còn cách nào khác là đành vừa sử dụng vừa đào tạo bổ sung. Bà Nguyễn Thị Vân Hà (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) mong mỏi: “Trước tình hình khan hiếm nhân lực như hiện nay, nhà trường cần đào tạo sao cho SV tốt nghiệp đạt “ngưỡng” cơ bản, ít ra cũng phải được 5 phần thay vì 10 phần như người khác”. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (Phó trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Q.1 – TP.HCM) cũng cho rằng, nhu cầu nhiều nhưng để tuyển được ứng viên có khả năng đáp ứng là rất khó nên nhà đào tạo bên cạnh cung cấp khối kiến thức chuyên môn còn cần nâng cao được kỹ năng làm việc, vun đắp tình yêu nghề cho các em. TS. Phạm Thị Huệ đề nghị, khi giảng lý thuyết (nhất là những môn lưu trữ và quản trị văn phòng), do có cách biệt rất lớn giữa lý thuyết và thực tế, cần có những hình ảnh và tài liệu cụ thể; tránh để SV cảm thấy như bị… lạc vào thế giới khác. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thời lượng thực tập tại các trung tâm lưu trữ quốc gia.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)