Sự kiện giáo dụcTin tức

Doanh nghiệp “ngán” sinh viên thực tập

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên ngành y đang thực tập

Theo kết quả điều tra của nhóm giảng viên (GV) Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), trong tổng số 221 sinh viên (SV) tốt nghiệp trong 3 năm của Khoa Thương mại và Du lịch thì có đến 60,9% SV gặp khó khăn về việc tiếp cận và được đơn vị thực tập tiếp nhận…
Xem thực tập là “kì nghỉ dài hơi”
Thực tế, cứ vào độ tháng 3 trở đi, hầu hết các trường trên toàn quốc lại bắt đầu có kế hoạch cho SV năm cuối đi thực tập. Đây là khoảng thời gian SV có cơ hội cọ xát thực tế trước khi bảo vệ tốt nghiệp ra trường phục vụ xã hội. Tuy nhiên, chính vì cái kế hoạch đồng loạt này của các trường mà dẫn đến tình trạng “quá tải” ở doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân đầu tiên khiến các doanh nghiệp e ngại mỗi khi tiếp nhận SV thực tập. Một nguyên nhân khác, hiện nay hầu hết các đề tài tốt nghiệp của SV hầu như chỉ để làm kết quả nghiên cứu mà chả mấy khi ứng dụng được trong thực tế, nhất là đối với các ngành xã hội.
Mặt khác, SV đến thực tập đều mang theo tâm lý như là một “kì nghỉ dài hơi” và không ít SV coi đây là cơ hội để “móc” thêm túi tiền của ba mẹ. Họ mang giấy giới thiệu của nhà trường, thậm chí có trường còn cử cán bộ dẫn SV đến tận nơi nhưng khi đến với doanh nghiệp, SV chỉ à ơi vài ba việc lặt vặt để doanh nghiệp cấp cho một cái giấy chứng nhận với lời nhận xét có cánh, đóng dấu đỏ đã trải qua kỳ thực tập nghiêm túc mang về nộp lại khoa. Chuyện đâu đã vào đấy!
Ở một khía cạnh khác, thông thường mỗi nhóm thực tập có ít nhất 3 đến 6 SV. Với số lượng như vậy không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được nhu cầu chỗ ngồi, phòng làm việc, điều kiện cơ sở vật chất; người hướng dẫn…
Theo kết luận của nhóm GV này, việc các đơn vị thực tế tiếp nhận và hướng dẫn SV thực tập bắt nguồn từ sự nhiệt tình và trách nhiệm xã hội hơn là quan tâm sử dụng SV vào các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ hay giải quyết các vấn đề thực tế của đơn vị.
Đâu là giải pháp tối ưu?
Ông Hoàng Minh Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung, cho rằng, để doanh nghiệp cảm thấy hài lòng và vui vẻ nhận SV vào thực tập tại đơn vị mình thì nhà trường và doanh nghiệp cần có mối quan hệ gắn bó, đôi bên cùng có lợi. Điều này cần phải nhìn nhận rằng, chính các SV thực tập phải thực sự hăng say, phát huy sáng tạo để tạo nên sản phẩm có ích cho doanh nghiệp trong quá trình trải nghiệm thực tế tại đây. Và điều đầu tiên để nâng cao chất lượng thực tập là đề cương thực tập phải gắn liền với những yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và quá trình thực tập phải gắn liền với những yêu cầu đó. Được như vậy thì SV thực tập mới thực sự áp dụng được lý thuyết đã học vào thực tế; khi đó, thời gian và công sức SV, kinh phí của nhà trường dành cho thực tập được sử dụng hiệu quả và không bị lãng phí.
Để làm được điều này, nhà trường cần liên hệ nhằm biết rõ những vấn đề của doanh nghiệp đang cần giải quyết để xây dựng nội dung, chương trình thực tập cho SV thì mới có hy vọng SV đáp ứng được nhu cầu của xã hội sau khi ra trường. Thực tế hiện nay, nhà trường mà chủ yếu do đại diện các khoa gửi SV đi thực tập, họ trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp. Trong khi đó ban giám hiệu nhà trường chưa xem đó là công việc của mình, đó là chưa kể có nhiều khoa khác ở lĩnh vực xã hội do không liên quan nên chẳng bao giờ hướng học sinh đến những công việc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, phía doanh nghiệp cũng không muốn chia sẻ các nhu cầu của mình đối với nhà trường một khi nhà trường chưa trở thành một đối tác đúng nghĩa.
Qua điều tra, nghiên cứu của nhóm GV thì “trong bối cảnh nhiều SV cùng thực tập tại một địa điểm nên các GV hướng dẫn thực tập tốt nghiệp sẽ giao hoặc chấp nhận cho mỗi SV viết về một đề tài nào đó cho chuyên đề tốt nghiệp của mình, tránh sự sao chép báo cáo thực tập. Thường các đề tài nghiên cứu sẽ được giới hạn vào một khía cạnh nào đó tại đơn vị thực tế mà không phải GV nào cũng am hiểu sâu sắc mọi khía cạnh hoạt động tại các đơn vị đó. Việc gợi ý đề tài và hướng dẫn của GV cho SV vì vậy sẽ gặp không ít hạn chế”.
Theo TS. Nguyễn Thanh Bình (Trưởng khoa CNTT, Trường ĐHBK Đà Nẵng): “Nhà trường nên kết hợp thực tập tốt nghiệp và làm luận văn tốt nghiệp thành một học phần lớn với thời gian khoảng 6 tháng. Trong thời gian này, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo những kỹ năng cứng, mềm cần thiết và đặc thù cho SV làm luận văn tốt nghiệp. Các chuyên gia của doanh nghiệp cùng các GV hướng dẫn và đánh giá việc thực hiện đề tài đó”.
Như vậy, để doanh nghiệp không còn cảnh “ngán” rồi dẫn đến “né” SV, thì chính SV phải được tham gia thực sự vào quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu SV làm tốt ở một doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì khả năng được đón nhận ở một doanh nghiệp khác càng cao.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)