Ông Nguyễn Hữu Hùng, ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn ngành GD trao quyết định kết nạp đảng viên cho đảng viên mới Huỳnh Nguyên Thục Trinh tại Chi bộ Báo Giáo Dục TP.HCM, ảnh chụp ngày 2-3 |
Có thể nói, công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng là khâu then chốt đảm bảo cho nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT – thì: “Tỷ lệ đảng viên trong trường học còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành GD TP”.
Để tăng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, ngày 6-3, Đảng ủy Sở GD-ĐT TP đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp tăng cường công tác phát triển Đảng trong ngành GD-ĐT TP.HCM”. Tại đây, nhiều ý kiến khẳng định số trường không có đảng viên thu hẹp dần, từng bước xóa được các trường không có đảng viên.
Nhiều giáo viên còn “ngại” vào Đảng
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM lần thứ V đề ra đến năm 2015, tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành phải đạt trên 20%. Tuy nhiên, đến nay, ở nhiều bậc học, tỷ lệ này đều chưa tới 19%. Cụ thể như khối mầm non, tỷ lệ đảng viên là 15,6%; khối tiểu học: 18,1%; khối THCS: 16,3%; khối THPT: 18,4%; các trường CĐ và TCCN trên 18%…
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Huỳnh Long – Phó bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT TP – cho rằng: “Ý thức rèn luyện, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng của một số quần chúng chưa cao. Công tác phát triển Đảng trong giáo viên trẻ còn gặp khó khăn vì phần lớn các giáo viên trẻ tập trung học tập để nâng cao trình độ (cao học, nghiên cứu sinh), ít tham gia các hoạt động để khẳng định bản thân”…
Thực tế là, có không ít giáo viên ưu tú khi được giới thiệu vào Đảng đã tế nhị từ chối. Họ cho rằng, trong vai trò quần chúng, họ sẽ làm tốt công tác chuyên môn hơn.
Phân tích về thực trạng này, ông Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận – cho rằng: “Do tính chất đặc thù sinh hoạt và học tập trong môi trường của những người làm công tác giáo dục. Do đó, hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên đều có cá tính độc lập tương đối mạnh. Một bộ phận giáo viên ít nhiều mang tâm lý sống khép kín, không thích tham gia hoạt động đoàn thể, không có nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên. Một đặc thù nữa là giáo viên chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ giáo dục tại trường, thực hiện việc dạy thêm tại nhà và các trung tâm nên việc nắm bắt tư tưởng và theo dõi quá trình phấn đấu, rèn luyện của quần chúng ưu tú trong diện kết nạp Đảng cũng gặp không ít khó khăn”.
Xây dựng bầu không khí sư phạm thân thiện
Chỉ trong 4 năm từ 2008 đến 2011, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm đã phát triển được 13 đảng viên (trong đó có 1 sinh viên), nâng tổng số đảng viên lên 35 người. Để làm được điều này, “Nhà trường chú ý bồi dưỡng những giảng viên có trình độ và uy tín cao; quan tâm đến những sinh viên là thủ lĩnh trong các phong trào. Song song đó, công khai tiêu chuẩn kết nạp Đảng. Công đoàn viên, đoàn viên muốn vào Đảng phải có năng lực công tác tốt, có phẩm chất chính trị vững vàng và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể…”, bà Vũ Thị Phương Dung – đảng ủy viên Đảng ủy nhà trường – cho biết.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trung bình mỗi năm kết nạp được từ 2 đến 3 đảng viên, trong đó có 1 học sinh là lớp 12 (từ năm 2005 đến nay, nhà trường đã kết nạp được 8 đảng viên là học sinh). Nói về “bí quyết” phát triển Đảng ở đây, bà Phạm Thị Lệ Nhân (Ban giám hiệu nhà trường) – cho biết: “Hàng năm, kỷ niệm các ngày lễ lớn, Chi bộ đều hướng các hoạt động vào phong trào thi đua. Chú trọng mục tiêu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn và giáo dục toàn diện. Cuối mỗi năm học, Chi bộ chọn lựa những quần chúng ưu tú giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng…”.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt thì nơi nào không xây dựng được bầu không khí sư phạm thân thiện việc phát triển Đảng sẽ bị ách tắc, ngưng trệ. Do vậy, muốn phát triển Đảng, các đơn vị trường học phải xóa được tư tưởng sống lâu lên lão làng, tư tưởng xếp hàng, hay tư tưởng chỉ phát triển Đảng đối với những người trong diện quy hoạch. Thậm chí, có đơn vị còn có tư tưởng phát triển Đảng để lấy thành tích. Mặc dù có nguồn nhiều nhưng mỗi năm chỉ phát triển một đảng viên, còn lại để dành cho những năm tiếp theo. Tư tưởng này cũng cần phải xóa bỏ…
“Muốn đẩy mạnh phát triển Đảng, phải nâng cao vai trò của cấp ủy, đặc biệt là bí thư. Nếu đồng chí bí thư quan tâm thì chắc chắn sẽ thành công. Còn ở những nơi khó khăn thì nên xây dựng chuyên đề công tác phát triển Đảng”, ông Nguyễn Văn Thọ – Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM – đề nghị.
Hòa Triều
Bình luận (0)