Sự kiện giáo dụcTin tức

Các trường đại học: Chưa chịu “buông” hệ trung cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên hệ TCCN tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong giờ học thực hành

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2012, các trường đại học (ĐH) không đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng, nhiều trường ĐH vẫn tìm cách níu giữ bậc học này. Mặc dù quy định của bộ đã khá rõ ràng nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều trường ĐH vẫn đăng thông tin tuyển sinh TCCN rộng rãi là việc cố tình “vượt rào”.
Tiếp tục xin chỉ tiêu
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho rằng: Việc Bộ GD-ĐT quy định như trên là để các trường thực hiện đúng chuyên môn, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, quyết định trên sẽ gây ra khó khăn cho cả trường ĐH, TC và cả thí sinh. Trên thực tế, việc này sẽ gây ra rào cản tuyển sinh với những trường mới vừa được Bộ GD-ĐT cho phép nâng cấp từ CĐ lên ĐH. Lý giải vấn đề này, PGS.TS Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi vừa mới nâng cấp từ CĐ lên ĐH vào tháng 10-2011. Tuy là trường ĐH nhưng chúng tôi chưa tuyển sinh bậc ĐH được mùa nào cả. Trong khi đó, nhân lực của ngành tài nguyên môi trường ở bậc TC đang rất khan hiếm. Nếu bỏ hệ TC, xã hội sẽ thiếu nhân lực nghiêm trọng”. PGS.TS Tuấn thống kê, nhu cầu nhân lực ngành trắc địa hệ TC mỗi năm lên đến vài trăm chỉ tiêu. Tương tự, ngành khí tượng thủy văn cũng đang rất cần nhân lực, sinh viên ra trường là có việc làm ngay. Nếu trường TC khác muốn làm phải dành ra vài năm để chuẩn bị cơ sở vật chất, giảng viên… mới có thể làm được”. Trường ĐH Lạc Hồng và ĐH Quốc tế Hồng Bàng (QTHB) năm nay vẫn tiếp tục tuyển sinh hệ TCCN, trong đó tiếp tục tuyển sinh 450 chỉ tiêu hệ TCCN ở 12 ngành. Trường vẫn đang nhận hồ sơ và thời gian nhập học đợt 1 vào ngày 25-3, đợt 2 ngày 29-4.
TS. Phạm Hữu Lộc – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – trăn trở: “Mỗi năm Trường ĐH Công nghiệp TP (ĐHCN) đào tạo khoảng 5.000 chỉ tiêu hệ TCCN. Hàng trăm giảng viên dạy TCCN sẽ đi đâu, làm gì nếu trường không duy trì hệ này? Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học đầu tư cho 6 cơ sở (Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai và TP.HCM) nên tới hàng trăm tỷ đồng phải bỏ đi rất lãng phí. Do đó, năm nay Trường ĐHCN tiếp tục đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép được tuyển 5.000 chỉ tiêu hệ TCCN như năm ngoái, vì nếu dừng ngay thì trường không trở tay kịp”. Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (SPKT TP) – cho biết: “Trường ĐHSPKT TP thông báo tuyển sinh 500 chỉ tiêu hệ TCCN năm 2012. Các năm trước, chỉ tiêu bậc TCCN nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh chung của trường nhưng năm nay, Bộ GD-ĐT không cho các trường ĐH tuyển sinh hệ này nên trường chuyển cho Trường Trung học Kỹ thuật Thực hành (thuộc trường) tuyển sinh, đào tạo. Đội ngũ giảng viên vẫn là các thầy cô dạy hệ TCCN của trường trước đây”.
Để tăng khả năng thuyết phục đối với Bộ GD-ĐT, rất nhiều trường đã làm công văn có chữ ký của bộ chủ quản yêu cầu được đào tạo TCCN. Trường ĐH Y dược TP với sự “can thiệp” của Bộ Y tế, trường muốn xin khoảng 600 chỉ tiêu bậc TCCN. ĐH Tài nguyên Môi trường cũng đã gửi 2 công văn, trong đó công văn gần đây nhất có chữ ký của lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường, xin 550 chỉ tiêu cho các ngành khí tượng học, thủy văn, kỹ thuật trắc địa, quản lý đất đai, kỹ thuật môi trường.
Trường TC lo lắng
Ông Bùi Thanh Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM trăn trở: “Hết năm 2011 trường mới tuyển được hơn 450 học viên, trong đó nhiều ngành chỉ lác đác vài bộ hồ sơ nhập học như cơ khí nông nghiệp (2 hồ sơ), thủy lợi (7 hồ sơ)… Mặc dù đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nông – lâm – ngư nghiệp khu vực TP nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường chỉ có 600-650 học viên và nhiều năm trở lại đây chưa bao giờ tuyển đủ. Cơ sở 2 của trường đặt tại quận 9 có diện tích hơn 20ha với hàng loạt trang trại nuôi bò, heo, gà, ruộng lúa và vườn cây xanh trải dài ngun ngút nhưng luôn trong cảnh thiếu vắng học viên. Để tránh lãng phí về cơ sở vật chất, nhà trường phải kết hợp với Trường ĐH Nông lâm TP đưa sinh viên của trường này sang thực tập”. Hiệu trưởng nhà trường, ông Phạm Thế Sam bùi ngùi: “Sau khi quyết định của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, lãnh đạo các trường TCCN, TCN “khấp khởi” mừng nhưng việc một số trường ĐH tiếp tục tuyển sinh hệ TCCN, TCN trong năm 2012, chắc chắn chúng tôi đã mừng hụt! Nguyên do, tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn chuộng “mác” ĐH hơn, dù đó chỉ là học TC”.Hệ lụy của việc này, kết hợp với việc Bộ GD-ĐT đã công bố Thông tư 57 của bộ về chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN và TCN làm cho nhiều trường đã gặp khó lại càng khó khăn hơn. “Một số trường xin phép nhưng chưa nhận được sự đồng ý của bộ đã thông báo tuyển sinh công khai trên website hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, theo tôi như vậy là không nên. Bộ đã ra chủ trương và có quyết định bằng văn bản thì các trường cũng nên chấp hành để không bị vi phạm về mặt pháp lý”, PGS.TS Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – đồng cảm.
ĐH tuyển TClà sai quy định
Trả lời với báo chí, TS. Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ TCCN, Bộ GD-ĐT – cho biết: Bộ GD-ĐT hiện nay đã nhận được văn bản của 30 trường ĐH trên cả nước gửi đến đề nghị được đào tạo TCCN nhưng bộ chưa cho phép. Tất cả các trường ĐH vẫn phải thực hiện theo quy định là không được đào tạo hệ TCCN. Sắp tới, căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực, bộ mới xem xét đến đặc thù của địa phương hoặc đặc thù của từng trường để cho phép có đào tạo hệ này hay không. Vì vậy những trường ĐH tiếp tục thông báo đào tạo hệ TCCN là sai quy định.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy 

Bình luận (0)