Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
|
Ngày 9-3, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương (BTGTW) do TS. Phạm Quang Bản, Phó vụ trưởng, thường trực phía Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn về vấn đề “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.
Cơ sở vật chất thiếu, chưa “hút” được người tài
Tổng số giáo viên (GV) hiện tại của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là 157 người, trong đó có 37 thạc sĩ và 25 thầy cô đang học cao học. Nếu tính theo tỉ lệ GV/HS thì trường đủ về số lượng nhưng trên thực tế lại đang thiếu người dạy, đặc biệt là GV có thể đảm nhận các môn chuyên. Để đảm nhận được lớp chuyên, GV phải thật sự giỏi, đam mê, không ngừng tìm tòi, sáng tạo… Vì vậy, muốn tìm được một GV bảo đảm những yêu cầu trên không hề dễ. Trong khi đó, mục tiêu của trường chuyên là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng với việc thiếu hụt GV đảm nhận lớp chuyên, rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyện tuyển GV dạy giỏi cũng không kém phần nhiêu khê. Điển hình như khi một GV có tên tuổi từ miền Trung vào muốn xin dạy ở trường, BGH đồng ý ngay nhưng đụng phải cơ chế nên đành chờ… 3 năm sau mới được tuyển dụng chính thức.
“Không chỉ thiếu GV có thể đảm nhận lớp chuyên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn gặp phải nhiều khó khăn khác. Đó là tình trạng thiếu phòng học, sự xuống cấp của cơ sở vật chất (CSVC) cùng với sự lạc hậu của trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, chế độ dành cho đội ngũ GV nhà trường cũng chỉ dừng lại ở lương căn bản và phụ cấp 70% lương”, ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Viết Lưu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục và Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: Theo tư liệu và hình ảnh, diện tích khuôn viên Trường Pétrus Ký (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay) được bao bọc vuông vức bởi các đường Trần Bình Trọng, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ và thẳng ranh với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Nhưng hiện nay, diện tích trường chỉ còn một lõm nằm ở giữa khuôn viên. Đề nghị các cơ quan chức năng giải thích rõ vì sao?
Bàn về vấn đề này, ông Lê Văn Nhung – Phó trưởng phòng Văn xã UBND TP.HCM – nhấn mạnh: “UBND TP.HCM và tất cả các ban, ngành có liên quan rất ủng hộ việc đầu tư sửa chữa mở rộng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Riêng UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc này. Tuy nhiên, do giá đền bù cho các hộ dân trong diện bị giải tỏa rất lớn, cần có lộ trình và quan trọng là trường phải có được các giải pháp, dự án… hoàn chỉnh”. Trăn trở với đời sống GV, ông Nhung nói: Tuy hiện nay chế độ phụ cấp cho GV trường chuyên vẫn có nhưng không đầy đủ vì chỉ riêng các thầy cô dạy lớp chuyên mới được hưởng.
Trường nghề vẫn gặp nhiều khó khăn
Việc “chiêu mộ” giáo viên giỏi cho trường nghề hiện nay là rất khó. Trong ảnh giáo viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức hướng dẫn cho học viên thực hành. Ảnh: V.M |
Trong hơn 10.000 CB quản lý, GV dạy tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP hiện nay có 211 người đạt trình độ tiến sĩ, 1.761 thạc sĩ và trên 4.000 người đạt trình độ cử nhân. Thiếu người nên GV dạy nghề được huy động từ nhiều nguồn, ngành nghề đa dạng, thường xuyên biến động. Đây là khó khăn khiến Sở LĐ-TB & XH không thể quản hết để theo dõi về mặt chuyên môn, chính trị tư tưởng của đội ngũ GV cũng như chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng… Nhắc đến nguồn GV dạy nghề, ThS. Nguyễn Trọng Hoàng – Phó hiệu trưởng, kiêm Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn – cho biết: “Trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời giảng viên, do những thầy cô có “tên tuổi” không “thích” dạy tại các trường tư thục, dân lập. Ngoài ra, nguồn tuyển học viên cũng gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp “không thích” liên kết với các trường tư thục, dân lập và trường cũng không thể dự đoán được trong 3-5 năm tới, nhu cầu nguồn nhân lực của TP tập trung vào những ngành nghề gì”. Không đồng tình với vấn đề này, TS. Phạm Quang Bản chấn chỉnh: “Đảng, Nhà nước và TP đã có quy hoạch về nguồn nhân lực, việc trường và doanh nghiệp chưa liên kết chặt chẽ với nhau nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo trường chưa năng động, không thể đổ lỗi cho việc không biết TP cần nguồn nhân lực gì trong vòng 3-5 năm tới”.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, TS. Phạm Quang Bản đề nghị: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cần hoàn chỉnh dự án, kế hoạch về CSVC, đội ngũ GV… Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ đánh giá lại những mặt được và chưa được của hệ thống các trường nghề để từ đó có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên GV giỏi tham gia giảng dạy và hỗ trợ nâng cao đời sống cho CB, GV, và học viên. Theo đó, các trường phải đặt công tác bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, chính trị lên hàng đầu.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)