Sự kiện giáo dụcTin tức

Học sinh vùng sâu thiếu thông tin

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 12 muốn vào phòng vi tính của trường để tìm hiểu thông tin tuyển sinh cũng không được vì chưa nối mạng. Ảnh chụp tại Trường THPT Trường Xuân

Đối với học sinh ở những vùng nông thôn thì việc thiếu cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ… xem như một thiệt thòi rất lớn. Thời điểm này đã đến “giờ G” để quyết định việc chọn nghề, chọn trường nhưng nhiều em vẫn còn rất mù mờ về thông tin tuyển sinh… Không ít học sinh đã phó mặc “tương lai” của mình bằng cách: Chọn đại!
Vất vả tìm thông tin
Trường THPT Trường Xuân (xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) có 947 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó khối 12 có 56 học sinh. Do hệ thống điện còn hạn chế nên trường chưa kết nối internet. Phòng vi tính của trường có 48 máy để học sinh làm quen những thao tác sơ đẳng khi học môn tin học. Vì là khu vực vùng sâu nên nơi đây chỉ có vài tiệm vi tính tư nhân. Đa số học sinh của trường thuộc diện nghèo và cận nghèo, hơn nữa do phải tăng tiết để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH nên học sinh lớp 12 hầu như không còn thời gian ra tiệm net. Một vài em có khả năng thì tranh thủ ngày chủ nhật để ra tiệm truy cập nhưng đường truyền rất yếu. Em Lê Thị Ánh Lan, dự định thi ngành Anh văn, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Mạng lên chậm rì, em tìm thông tin về ngành muốn học mà có khi gần một tiếng mới tìm ra trang đó. Rất tốn tiền và mất nhiều thời gian”. Nhiều học sinh lớp 12 ở đây cũng cho biết: Với hàng trăm trường ĐH-CĐ hiện nay, các em rất khó tìm thông tin trên mạng về trường, về ngành nghề mình sẽ thi vào. Em Lữ Minh Đạt bày tỏ: “Em vào trang web của Bộ GD-ĐT như lạc vào đám rừng, quá trời thông tin, không biết đường nào mà lần trong khi em chỉ muốn tìm hiểu về điểm chuẩn trúng tuyển, tỷ lệ chọi năm 2011 của các ngành, các trường, để làm cơ sở lựa chọn ngành sẽ thi vào”. Em Nguyễn Trí Hậu (lớp trưởng lớp 12A, Trường THPT Trường Xuân), dự định thi khối A vào ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, và thi khối B ngành chế biến thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ: “Khi lên mạng em vào Google và gõ tìm Trường ĐH Cần Thơ  để biết thông tin về hai ngành học này. Loay hoay tìm hết cả buổi sáng mới có được thông tin cần thiết nên em đã tốn gần cả trăm ngàn đồng tiền net”.
Thầy cô làm tư vấn cũng “đói” thông tin
Các thầy cô đang làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em tại các trường THPT: Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ), Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), Thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai)… cho biết: Bậc THPT 1 năm học chỉ có 9 tiết hướng nghiệp nên để giúp học sinh lớp 12 chọn trường phù hợp năng lực các thầy cô phải xin Ban giám hiệu tăng thêm tiết ngoại khóa vào sáng chủ nhật nhằm tư vấn thêm cho các em. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao vì không có tài liệu hướng dẫn chính thức của bộ như mọi năm, trong khi đó trên thị trường có rất nhiều cẩm nang tuyển sinh, thầy cô lúng túng không biết hướng dẫn học sinh chọn mua  cuốn nào. Ngoài ra một số cẩm nang thì thông tin thiếu hoặc có những chi tiết không chính xác. Học sinh khu vực nông thôn nhiều em nhà trong ruộng nên không thể đến tiệm vi tính.
Thầy La Văn Dũ (giáo viên Trường THPT Thị trấn Thới Lai), bức xúc: “Các năm trước có cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ, tôi chỉ cần photo những trường thuộc khu vực miền Nam, mã ngành từng trường, những khu vực và chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, rồi dán lên bảng thông tin cho học sinh. Năm nay phải tìm trên những trang web rất mất thời gian và khó khăn vì không phải dễ tìm. Chẳng hạn chỉ một Trường ĐH Cần Thơ, phải vào trang tuyển sinh, rồi coi từng ngành, tìm hiểu mã ngành từng ngành, từng chuyên ngành… Đến nay chúng tôi cũng chưa nắm được thông tin chính thức về cách ghi hồ sơ dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ cũng như những xã, khu vực của Cần Thơ được hưởng chính sách ưu tiên để hướng dẫn cho học sinh”. Thầy Nguyễn Đức Mạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh An (huyện vùng sâu Vĩnh Thạnh), nêu thực tế: “Những  năm trước học sinh của chúng  tôi chỉ cần mua cuốn cẩm nang của Bộ GD-ĐT là nắm hết  thông tin cần thiết, những em không đủ tiền thì 5, 6 em hùn tiền  mua 1 cuốn; có khi cả lớp với sĩ số hơn 50 em chỉ mua 5 cuốn là đủ dùng, mỗi em chỉ phải bỏ ra vài ngàn đồng. Năm nay các em tốn hàng trăm ngàn đồng lên internet mà vẫn chưa nắm đủ thông tin cần thiết về những trường ĐH, CĐ với những thay đổi trong tuyển sinh và thay đổi trong ghi hồ sơ tuyển sinh năm 2012”.
Qua tìm hiểu, hầu như các em chỉ nắm rõ thông tin về những trường ĐH đóng trên địa bàn Cần Thơ.  Một số trường ngoài địa bàn thì biết lơ mơ qua vài đợt tư vấn, do vậy việc chọn ngành nghề ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn Trường THPT Trường Xuân, hầu hết học sinh lớp 12 đều “quyết tâm” thi vào ĐH, dù trong 56 em chỉ có 3 em đạt học lực giỏi, 11 em đạt khá. Các em cũng chỉ có thông tin về Trường ĐH Cần Thơ và biết sơ sơ về Trường ĐH tư thục Tây Đô, ĐH tư thục Võ Trường Toản. Về ngành nghề, các em tập trung chọn những ngành nghề của ĐH Cần Thơ mà năm 2011 có điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn điểm sàn 0,5 điểm. Khi tôi hỏi: “Giả sử không trúng tuyển ĐH em có dự định gì cho tương lai?”, một số em cho biết sẽ luyện thi lại, số khác thì sẽ học hệ CĐ để tiếp học liên thông nhưng cũng không biết học ở đâu vì chưa nắm thông tin về bất cứ trường CĐ, trung cấp nào. Một nữ sinh, học lực trung bình, quyết định thi khối C, vào ĐH Công an nhưng khi được hỏi thì đến giờ phút này em vẫn chưa biết trường tọa lạc ở đâu, điểm chuẩn trúng tuyển ra sao, tỷ lệ chọi, chương trình học thế nào? Em thật thà nói: “Ban tuyển sinh Huyện đội Thới Lai đến trường giới thiệu về các ngành trong quân đội, công an con thấy thích ngành công an nên quyết định thi vào. Nếu không trúng tuyển con thi vào trung cấp công an, nếu rớt thì con chưa biết sẽ làm gì”…
Bài, ảnh: ĐAN  PHƯỢNG
Với hàng trăm trường ĐH, CĐ hiện nay sẽ giúp cho các em học sinh lớp 12 chọn lựa để tiếp tục con đường học vấn, xây dựng tương lai. Nhưng do thiếu thông tin, và thiếu sự tư vấn cần thiết, không ít em đang lúng túng, chưa xác định được hướng đi phù hợp năng lực và điều kiện học tập. 
 

Bình luận (0)