Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) nhận được 4 lá đơn trình báo về việc con cái họ “bỗng dưng mất tích” dấy lên dư luận nhiều chiều. Thế nhưng khi vụ việc được lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ, sự thật vụ việc được phơi bày không khỏi xót xa cho các bậc phụ huynh có con hư hỏng. Mùa “đi sim” biến tướng bây giờ không chỉ có ở núi rừng mà đã về đến phố…
Bỏ lớp, bỏ nhà theo tình yêu
Những ngày qua, dư luận gây hoang mang làng chài ven biển Thanh Khê về việc các nữ sinh tuổi 15 đến 17 liên tục bị mất tích không rõ nguyên nhân. Sự hoang mang kéo theo lời đồn thổi bắt cóc bán sang biên giới hoặc bán cho đại gia làm không ít phụ huynh có con em trong độ tuổi này lo lắng, đặc biệt các “nạn nhân” mất tích này đều là nữ sinh.
Ngày 19-2, Công an quận Thanh Khê nhận đơn trình báo của bà N.T.N (trú phường Thanh Khê Tây) về việc con gái là N.T.T.N (SN 1993) mất tích từ 15-2. Theo trình báo của gia đình và điều tra, Công an quận Thanh Khê phát hiện T.N có quan hệ yêu đương với một đối tượng tên là Mỹ, làm nghề massage tại Đà Nẵng. Mỹ hiện là đối tượng nghiện hút đang nằm trong diện theo dõi. Sau 4 ngày tìm kiếm, các trinh sát cũng đã tìm ra tung tích của T.N đang ở cùng nhà trọ với người yêu tại số 500, Tôn Đản, phường Hòa Phát (Đà Nẵng).
Ngày 24-2, Công an quận Thanh Khê tiếp nhận đơn trình báo của gia đình ông V.V.L về việc con gái ông L. là cháu V.T.Y.L (SN 1996), đang là học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Phú, có địa chỉ thường trú tại đường Hà Huy Tập (Thanh Khê) bị mất tích khi đang trong giờ học tập tại trường. Theo nội dung trình báo của gia đình, họ rất lo lắng con gái mình bị bắt cóc, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ bán qua biên giới như một số trường hợp xảy ra trong thời gian qua tại các tỉnh miền Trung, nên gia đình làm đơn nhờ lực lượng chức năng giúp đỡ. Qua điều tra, xác minh, lực lượng trinh sát Công an quận Thanh Khê làm rõ: Nữ sinh V.T.Y.L không mất tích, không bị bắt cóc mà cô đang sống tại nhà chị gái của người yêu ở TP.HCM. Ngay sau đó, cơ quan công an đã cử điều tra viên phối hợp cùng gia đình ông L. vào TP.HCM để đưa nữ sinh này về gia đình.
Trước đó vào ngày 14-2, Công an quận cũng đã nhận đơn trình báo của gia đình ông T.Đ.S về việc con gái mình là T.N.B.U (SN 1997), đang là học sinh lớp 9 do giận gia đình nên bỏ đi từ ngày 7-2. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra thì gia đình báo là cháu B.U đã về nhà. Theo dư luận, trong thời gian B.U “mất tích” này B.U dã đến ở nhà bạn trai tại huyện Núi Thành (Quảng Nam).
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Lâu nay hễ cứ mỗi lần con hư, đa số phụ huynh đều buông tiếng thở dài rồi đổ lỗi cho thời đại bùng nổ thông tin. Xét ở khía cạnh nguyên nhân khách quan, điều đó đúng. Nhưng suy cho cùng, lỗi con hư không xuất phát từ nhà mạng mà nguyên nhân sâu xa từ người quản lý trực tiếp và gián tiếp thiếu trách nhiệm đối với gia đình và sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Đơn cử như các trường hợp nữ sinh bỏ nhà, bỏ học đi theo tiếng gọi tình yêu vừa nêu trên. Hầu hết các vụ việc này khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra làm rõ thì các nữ sinh này đều đi theo người tình. Vậy đâu là nguyên nhân? Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân đầu tiên và chính yếu xuất phát từ phụ huynh. Các em ở độ tuổi vị thành niên, thường rất “nhạy cảm” với các tác động bên ngoài như xem thông tin trên mạng, đua đòi bạn bè xấu ngoài xã hội. Trong khi đó phụ huynh đều mải lo làm ăn mà quên mất nhiệm vụ uốn nắn tính cách của con. Một số khác vì nghĩ rằng đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con đủ các điều kiện để bằng bạn bè dẫn đến con hư hỏng lúc nào không hay. Chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi), ở quận Thanh Khê than thở: “Tôi có cháu học lớp 10, cả ngày nó hết đi chơi lại ngồi máy tính chơi trò chơi. Sợ cháu không học được gia đình cắt mạng thì cháu lại lấy lý do là cần mạng để tìm tư liệu. Sợ con bị điểm kém, chúng tôi lại nối mạng. Thế nhưng hễ ngồi vào máy là thấy nó mở game”. Sự nhân nhượng của chị Hoa là một trong hàng ngàn trường hợp dẫn đến việc con hư hỏng để rồi bất lực.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thuận – người có thâm niên hơn 10 năm không chỉ làm bác sĩ chuyên khoa mà còn đảm nhận nhiệm vụ là bác sĩ tâm lý cho rất nhiều đối tượng nghiện hút, hư hỏng ở Trung tâm Dạy nghề 05-06 Đà Nẵng nói, có rất nhiều con đường và tác nhân dẫn đến sự hư hỏng của con trẻ. Để hạn chế tối đa tình trạng này cũng như uốn nắn con cái mình đi đúng hướng, các bậc phụ huynh cần phải nghiêm túc, cứng rắn trong việc dạy con. Phải biết nắm bắt tâm lý, và hiểu rõ con muốn gì đồng thời đáp ứng như thế nào để tránh tình trạng con ưa gì có đó dẫn đến con hư.
Ở một khía cạnh khác, thiết nghĩ bên cạnh sự sáng suốt của các bậc phụ huynh cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và cơ quan chức năng nơi cư trú để giáo dục, hướng các em đi đến con đường tương lai tươi sáng, đừng để lúc sự việc xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc thì đã muộn.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)