Học sinh Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội việc làm của trường
|
Trong hệ thống giáo dục thì hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông mới chỉ tạo ra sản phẩm lao động trung gian còn trực tiếp nằm ở giáo dục ĐH và giáo dục chuyên nghiệp (GDCN). Thế nhưng đầu tư cho phát triển GDCN nước ta thời gian qua được đánh giá chưa tương xứng, thiếu hiệu quả và liên tục đối diện với không ít khó khăn.
Khó khăn tứ bề
TP.HCM – một trong những đơn vị được xem là có vị thế trong lĩnh vực GDCN từ năm 2000 đến nay đã phát triển gấp 3 lần quy mô đào tạo với lượng học sinh đầu quân cho TCCN mỗi năm một tăng. Các trường ngoài công lập liên tục được “mọc lên”, từ trường đầu tiên thành lập năm 2001 đến nay đã tăng lên đến 27. Mạng lưới chuyên môn GDCN được đầu tư phát triển ngày càng đi lên, hiện 13 tổ ngành đào tạo với trên 100 giáo viên cốt cán đã giúp nâng cao chất lượng, tính thực tế của hoạt động chuyên môn trong các trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lưu Đức Tiến (Phó trưởng phòng GDCN & ĐH Sở GD-ĐT TP.HCM), cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường TCCN ngoài công lập vẫn còn thiếu thốn, chắp vá, chưa tương thích với quy mô đào tạo; nhiều nơi thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu, chất lượng giảng dạy một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; đầu vào không đồng bộ; chưa thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi về đất đai xây dựng trường ngoài công lập. Không ít trường chỉ chú trọng đầu tư những ngành ít tốn kém, nội dung một số lĩnh vực đào tạo chưa sát hợp với nhu cầu thật của xã hội.
Đây thực chất là “bức tranh” chung của GDCN tại nhiều địa phương. Ông Hoàng Hữu Niềm (Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT Hà Nội) thống kê, hiện toàn TP.Hà Nội có tổng số 103 đơn vị tham gia đào tạo TCCN. Số lượng đào tạo lớn với gần 80 ngành nghề song vẫn chưa “tự tin” khẳng định vị thế vì hệ thống tuy lớn nhưng khâu quản lý còn rất phân tán, khó đánh giá đúng chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Trung bình mỗi năm Hà Nội tuyển được khoảng 30 ngàn em hệ GDCN, nếu thí sinh thực tuyển ở các ngành nghề như sư phạm mầm non, khối ngành y dược… tăng đều qua các năm thì các ngành nghề khác lại giảm, tạo ra sự mất cân đối. Ngay cả các trường công lập được Nhà nước đầu tư ngân sách hầu hết cũng không đạt chỉ tiêu thì nói gì đến những đơn vị ngoài công lập. Nguyên nhân một phần do sự lấn át của các trường ĐH-CĐ trong đào tạo TCCN các năm qua, mặc dù đã có rất nhiều kiến nghị Bộ GD-ĐT nhằm cắt giảm chỉ tiêu đào tạo TC trong các trường ĐH. Tuy năm nay, bộ quyết tâm nghiêm cấm các trường ĐH-CĐ tiếp tục đào tạo hệ TCCN, song đây chỉ được xem như “liều thuốc tinh thần” đối với các đơn vị GDCN. Bởi thực tế, nếu “bịt” đầu này thì họ sẽ “mở” ra đầu khác, và đã có đơn vị ĐH lách luật bằng cách mở hẳn trường TC để hợp pháp đào tạo.
Ông Võ Tấn Long (Sở GD-ĐT Hải Phòng) so sánh, các trường TCCN thuộc Trung ương còn tốt về cơ sở vật chất, phía trường địa phương do mức đầu tư giới hạn nên khó khăn gấp nhiều lần. Ủy ban chỉ đạo, phê duyệt chỉ tiêu giao cho các trường, Sở Kế hoạch – Đầu tư là đơn vị xây dựng chỉ tiêu và như vậy, Sở GD-ĐT không nắm được chỉ tiêu của các trường TCCN, rõ ràng điều này gây khó khăn cho công tác quản lý.
Các trường không thể “tự túm tóc nhấc lên”
Theo ông Hoàng Hữu Niềm (Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT Hà Nội), việc phát triển hệ thống GDCN trong tình hình mới vô cùng khó khăn. Không dễ xác định GDCN nằm ở vị trí nào trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay khi mà đào tạo nhân lực chỉ chú trọng đến giáo dục ĐH và dạy nghề. Đó là chưa kể, số lượng học sinh TCCN của Hà Nội hiện nay lớn hơn rất nhiều so với TC nghề. Trong khi đó, tất cả các chương trình lớn phục vụ đào tạo nhân lực đều là của dạy nghề, còn GDCN không chiếm được một góc. Ngay cả trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam và các chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề giải quyết việc làm và nhân lực thì cũng chỉ chú trọng đến dạy nghề. Thực sự, GDCN là nguồn cung cấp nhân lực quan trọng, cần có chiến lược phát triển. Ông Niềm nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta thiếu hẳn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng chuẩn kỹ năng nghề của kỹ thuật viên trung cấp, mới chỉ dừng lại ở mức các trường tự xây dựng chuẩn đầu ra để công bố với người học và xã hội một cách khái quát, việc các trường “tự túm tóc mình nhấc lên” là điều cực kỳ khó. Bên cạnh đó, với tầm của sở mà loay hoay làm chương trình, giáo trình cho vài chục nghề là vô cùng áp lực, nếu có các chương trình mục tiêu quốc gia “kham” công tác này sẽ đỡ tốn kém chi phí và công sức cho các sở”. Phía Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề xuất lộ trình cho áp dụng các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh TCCN đối với các trường, nhất là các trường tư thục để những đơn vị này có thời gian chuẩn bị đáp ứng. Cụ thể, năm 2012 đề nghị các tiêu chí như diện tích sàn xây dựng thuộc sở hữu của trường nên tính trên diện tích sàn xây dựng được phép sử dụng, đồng thời nên cho phép các trường chỉ cần đạt 70% giáo viên cơ hữu.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)