Sự kiện giáo dụcTin tức

Chống “Chạy trường”: Cần công khai, dân chủ

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 6 cho con tại Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp năm 2011

Mỗi năm TP.HCM xây mới cả ngàn phòng học, đủ chỗ học cho con em nhân dân, nhưng phụ huynh vẫn cứ thích “chạy trường”. Tương tự, ở Hà Nội, Đà Nẵng chuyện “chạy trường” cứ đến hẹn là tăng tốc.  Phụ huynh “chạy” bằng thư tay của quan chức, bằng hộ khẩu,  bằng vai trò của mạnh thường quân…
Xung quanh vấn đề này, mới đây, tại TP.HCM, 5 TP trực thuộc Trung ương đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Đổi mới công tác tuyển sinh ở các lớp đầu cấp”. Qua các ý kiến cho thấy, mặc dù ngành GD-ĐT không ngừng chống “chạy trường” nhưng phụ huynh vẫn cứ “chạy”…
“Hiệu trưởng không nhận là mất chức liền”
ThS. Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, Đà Nẵng cho biết, toàn quận có 21 trường tiểu học nhưng chỉ có một số trường như Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh là “nóng” về tuyển sinh đầu cấp. Đặc biệt là Trường Tiểu học Phù Đổng, trung bình mỗi năm phải “nở” thêm 2 lớp 1. “Năm 2006, chỉ có 50 lớp, nay đã tăng lên 65 lớp. Theo đó, nhà trường phải giảm dần các lớp 2 buổi/ngày”, ông Ngưng nhấn mạnh.
Hai loại giấy tờ quan trọng trong hồ sơ vào lớp 1 là bản sao giấy khai sinh và hộ khẩu. Nếu 2 loại giấy tờ này không trùng khớp thì coi như học sinh đó không có “cửa” vào các trường “điểm”. Theo đó, có những trường hợp chỉ một ngày đã có hộ khẩu đúng tuyến, 2-3 giấy khai sinh.
“Theo điều tra dân số, trung bình mỗi trường “điểm” chỉ có khoảng 250 trẻ vào lớp 1 nhưng đến khi tuyển sinh thì tăng thêm 100-120 em. Nếu nhà trường không nhận những em này, phụ huynh sẽ nhờ các quan chức viết thư tay gửi cho hiệu trưởng và trưởng phòng. Mỗi quan chức gửi 1-2 trường hợp, cá biệt có người gửi tới 5 trường hợp. Tôi không nhận thì họ nói: “Xin cho một cháu học làm gì mà khó khăn thế”. Còn hiệu trưởng mà không nhận là mất chức liền…”, ông Ngưng bức xúc kể lại.
Để việc “chạy trường” của quan chức được thuận lợi, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ở Đà Nẵng đều được tăng thêm 10-20%. Cụ thể, ở tiểu học, chuẩn quy định là 35 em thì được tăng thêm 7 em, còn ở phổ thông 45 em thì tăng thêm 5 em…
Ngoài thư tay, ở Đà Nẵng còn một cách “chạy trường” nữa là “Có mạnh thường quân ủng hộ tiền cho trường, năm sau họ xin cho 3 cháu vào lớp 1”, ông Ngưng cho biết. Và đây cũng là tình trạng không phải đã không xảy ra ở Hà Nội và TP.HCM.
Chống “chạy trường”, phải công khai, dân chủ

Phụ huynh làm hồ sơ xin cho con vào lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) năm 2011

“Đối với lớp 1, chỗ học thì có đủ nhưng có những phụ huynh không chịu cho con học đúng tuyến. Họ quan niệm, cha mẹ làm việc ở đâu thì con học ở đó để tiện đưa đón”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ.
Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ học sinh trái tuyến của Q.1, Q.3, TP.HCM những năm trước đây lên tới 40-50%. Mấy năm trở lại đây, UBND TP đã chỉ đạo không được tuyển trái tuyến ngoài quận, huyện. Theo đó, tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn còn…
Năm học 2012-2013, để giảm đến mức thấp nhất việc “chạy trường”, “Sở GD-ĐT TP đã tham mưu để UBND TP ban hành kế hoạch tuyển sinh thay vì chỉ phê duyệt kế hoạch của Sở GD-ĐT TP như trước đây. Việc UBND TP ban hành kế hoạch tuyển sinh, khi triển khai xuống các quận, huyện, từ quận, huyện xuống các trường sẽ nghiêm túc và quán triệt hơn”, ông Hồ Phú Bạc – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Còn tại Hà Nội, “Trường hợp số trẻ đăng ký nhập học vượt quá khả năng tiếp nhận của nhà trường, tùy theo từng trường có thể áp dụng phương pháp bốc thăm trong số trẻ có đơn đăng ký để tuyển sinh”, ông Bùi Quang Thái – Phó phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ.
Đà Nẵng cũng có một cách làm rất sáng tạo, do đó chấm dứt hẳn tình trạng phụ huynh phải xếp hàng mua đơn. “Đơn xin học chung một mẫu của Sở GD-ĐT và được bán rộng rãi ở nhà sách, phụ huynh muốn mua cả chục cái cũng được”, ông Ngưng cho biết.
Nhưng trên hết, theo ông Đạt – Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Để hạn chế những tiêu cực trong tuyển sinh đầu cấp đến mức thấp nhất, phải làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân. Sau mỗi mùa tuyển sinh là chúng tôi phải tiếp và giải thích cho cả ngàn phụ huynh. Công tác tuyển sinh phải công khai, dân chủ – nếu một mình hiệu trưởng làm thì rất dễ xảy ra tiêu cực”…
Tuy vậy, ông Ngưng – Đà Nẵng vẫn băn khoăn: “Đổi mới công tác tuyển sinh mà quan chức các cấp không nhận thức được là rất khó làm”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
 
“Công tác tuyển sinh đầu cấp thường bị nhiều áp lực, áp lực của các mối quan hệ. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở nước ta mà có ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ngoài, người ta chỉ ưu tiên những học sinh là con của quan chức có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trường, những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của trường, học sinh đó có anh/chị đang học tại trường. Còn ở nước ta, cũng ưu tiên nhưng có nơi không ưu tiên như vậy nên dễ xảy ra tiêu cực”, trích phát biểu của ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Bình luận (0)