Sự kiện giáo dụcTin tức

Khởi công hàng loạt trường “treo”

Tạp Chí Giáo Dục

Trường TH Đặng Văn Ngữ (Phú Nhuận) được xây mới và đưa vào sử dụng năm học này

Nhiều dự án xây dựng trường lớp tưởng chừng “ngủ yên” trên giấy vì không có kinh phí hoặc vướng khâu đền bù, giải tỏa thì nay được “đánh thức”. Tổng vốn được cấp cho đợt xây dựng này trên 1.500 tỷ đồng…
Nhiều trường xuống cấp, quá tải
Hóc Môn là một trong những quận có nhiều dự án trường không hoàn thành tiến độ xây dựng để đưa vào sử dụng trong năm học này. Theo ông Nguyễn Quang Thuấn (cán bộ phụ trách cơ sở vật chất Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn) thì: “Trên địa bàn huyện, hiện nay có hơn 30% số trường học đã bị xuống cấp và quá tải về HS… Chính vì cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn nên khó đảm bảo được chất lượng dạy và học”. Hiện tại có bảy dự án xây trường mới được duyệt từ nhiều năm trước đây nhưng vẫn chưa được khởi công như: MN Bà Điểm (có vốn đầu tư trên 14 tỷ đồng), TH Trần Văn Mười (30 phòng với vốn đầu tư trên 55 tỷ đồng); Tam Đông 2 (vốn đầu tư trên 67 tỷ đồng); Tây Bắc Lân (30 phòng học, vốn 55 tỷ đồng); Dương Công Khi (30 phòng học, vốn đầu tư gần 57 tỷ đồng); Xuân Thới Thượng (31 phòng học, vốn đầu tư 46 tỷ đồng) và THPT Phạm Văn Sáng (45 phòng học, vốn đầu tư 72 tỷ đồng). 
Ở nhiều quận khác như: Q.6, 8, 9, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Chánh… thì việc trường lớp thiếu và xuống cấp từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề “nổi cộm”. Chính vì vậy, theo kế hoạch, các trường MN Rạng Đông 4, TH Mai Xuân Thưởng (Q.6); TH Phường 5, TH Phạm Thế Hiển, Rạch Ông, Vạn Nguyên (Q.8), TH Long Sơn (Q.9); TH Điện Biên, Trần Quang Cơ; THCS Trần Phú (Q.10); TH Thân Nhân Trung (Tân Bình); THPT Bình Lợi Trung (Bình Thạnh)… phải được khởi công xây mới từ năm 2011 nhưng đến nay phần lớn các dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Chẳng hạn như tại Trường THCS Trần Phú (Q.10), vào những ngày này chỉ cần một cơn mưa nhỏ là sân trường đã trở thành một cái ao chứa nước. Còn phòng học, bàn ghế thì ọp ẹp, nghiêng ngả.
Một số dự án trường lớp ở các quận khác như: THPT Bình Tân (Q.Bình Tân), THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức), THPT Nguyễn Khuyến (Q.4)… qua tìm hiểu thực tế đã có dự án xây dựng nhưng do vướng trong việc đền bù giải tỏa nên đến giờ dự án xây mới trường vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Hà Thanh Liêm – Phó giám đốc Ban quản lý các dự án của Q.6 – cho biết: “Lãnh đạo quận đã chủ động và thông qua kế hoạch xây mới nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù giải tỏa”.
Cùng với thực trạng khó khăn trên, ông Đỗ Tấn Sĩ – Phó giám đốc Ban quản lý các dự án của Q.2 – nêu: “Nhiều hộ dân không chấp nhận phương án di dời và hỗ trợ của quận. Vì vậy, tuy đã có nhiều dự án xây mới trường, lớp học được khởi công nhưng tiến độ rất chậm và khó hoàn thành được trong năm học 2011-2012”.
Đồng loạt khởi công
Chia sẻ về cách làm hiệu quả, bà Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 – cho biết: “Nhờ sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn quận mà trong 5 năm vừa qua, đã có nhiều ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp được xây dựng như Trường TH Hàm Tử, Huỳnh Kiến Hoa, Trần Quốc Toản, Lý Cảnh Hớn… Do đó, tình trạng thiếu trường lớp được khắc phục một cách triệt để. Điều đáng mừng nhất là tình trạng quá tải, “bội thực” hồ sơ trong mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp giảm tới 90%. Ông Phan Văn Kèo – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn – cũng tiết lộ: “Sau bao nỗ lực vận động và sự hưởng ứng đầy trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn huyện về việc giải phóng mặt bằng, tự nguyện di dời… hiện nay huyện đang tiến hành khởi công bảy dự án nói trên đồng thời chuẩn bị xây dựng mới Trường TH Trần Văn Danh (49 phòng học và các khối phụ với tổng vốn đầu tư 61,889 tỷ đồng), THPT Nguyễn Hữu Cầu (36 phòng học với tổng vốn đầu tư gần 56 tỷ đồng).
Tại buổi làm việc với tổ liên ngành, có sự tham dự của lãnh đạo các ban quản lý đầu tư xây dựng 24 quận, huyện mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận chia sẻ: Qua trao đổi, thảo luận cùng các sở, ngành, TP hoan nghênh các cấp ủy Đảng của 24 quận, huyện đã linh hoạt, năng động, sâu sát vào cuộc nhằm tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp cho ngành giáo dục. Cũng như các sở, ngành đã tích cực tham mưu cho TP, cùng chung tay hỗ trợ cho các quận, huyện về thủ tục, phương án… để triển khai nhanh các dự án xây dựng trường, lớp.
Ông Triệu Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 – cho biết thêm: “Với việc TP đồng ý rót vốn đợt 1, Q.8 cũng chuẩn bị khởi công bốn dự án trên và tiếp theo là Trường THCS Lý Thánh Tông (40 phòng học và các phòng chức năng với tổng vốn đầu tư 78 tỷ đồng)”.
Huyện Bình Chánh là địa phương có nhiều dự án xây trường đã hoàn chỉnh thiết kế, xây dựng nhưng do vướng giải phóng mặt bằng, nhiều công trình đang thi công thì hết tiền… phải thi công nhỏ giọt. Ông Nguyễn Minh Châu – Trưởng phòng GD-ĐT Bình Chánh – bộc bạch: “Bình Chánh về cơ sở vật chất trường, lớp dù được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo những việc đầu tư, xây mới trường lớp vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, với việc TP ghi vốn cho các dự án xây mới trường, lớp chúng tôi như trút được “gánh nặng”. Vì vậy, trong thời gian tới huyện sẽ đồng loạt khởi công ba dự án trường THCS và một trường THPT với tổng số tiền đầu tư cho các công trình này trên 230 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng 144 phòng học và các phòng chức năng”.
Tuy nhiên trước thực trạng cơ sở vật chất, trường lớp dù xây mới nhiều nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo: TP đề nghị các quận, huyện phải tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, lớp. Để đảm bảo được các điều kiện, dự án xây dựng trường học cho năm học mới, đồng thời vẫn đảm bảo được tinh thần chỉ đạo của TP về triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp, chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… TP vẫn ưu tiên và tập trung vốn cho giáo dục và y tế cũng như giao thông.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Ông Nguyễn Đình Thái Châu – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về xây dựng trường học – cho biết: “Ngày 5-3-2012, UBND TP đã ban hành Quyết định 1.104 về việc giao kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2012 (đợt 1) nguồn vốn ngân sách TP và vốn viện trợ phát triển (ODA) với tổng số vốn trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ngành GD-ĐT được cấp trên 1.500 tỷ đồng để triển khai xây dựng 160 dự án với 3.710 phòng học”.
 

Bình luận (0)