Phụ huynh, học viên làm việc với Raffles Hà Nội tối 21-3 |
Tiếp sau TP.HCM, các phụ huynh và học viên tại Hà Nội đang như ngồi trên lửa trước các thông tin không lấy gì làm khả quan của Trung tâm Đào tạo quốc tế Raffles. Chiều 21-3, Trung tâm Đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội đã họp lấy ý kiến phụ huynh, học sinh (HS), sinh viên (SV) để giải quyết hậu quả trung tâm này dừng đào tạo.
Không thể hứa suông
Cuộc họp giữa các bên được tiến hành từ chiều cho tới 21 giờ tối, nhiều ý kiến của phụ huynh, HS, SV “chất vấn” và yêu cầu Trung tâm Đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội phải giải quyết thỏa đáng các điều kiện đưa ra.
Buổi họp tập trung ở hai vấn đề lớn: Đó là việc sau khi bị chấm dứt các chương trình đào tạo ở Việt Nam, Raffles có hai phương án để giải quyết số HS, SV đang theo học dở dang. Theo đó, những SV có nhu cầu học tiếp sẽ được Raffles chuyển tiếp tới các trung tâm đào tạo tại nước ngoài, khuyến khích học tại Singapore và Úc, với các điều khoản ưu tiên như: Được miễn phí vé máy bay (một lượt), được nhận hỗ trợ học phí 300 USD/tháng (3 kỳ – 900 USD Mỹ), nhà trường cam kết giữ nguyên mức học phí như tại Việt Nam.
Đối với những người không có nhu cầu chuyển tiếp mà đang trong thời gian học tại Việt Nam ở bậc CĐ, ĐH sẽ được nhà trường hoàn trả 100% kinh phí đào tạo trong thời gian học trước đó, thời hạn được nhà trường cam kết hoàn trả là 60 ngày.
Thứ hai, đối với những SV đã tốt nghiệp, được cấp bằng trước đó sẽ không được nhà trường hoàn trả lại kinh phí đào tạo. Lí do Raffles đưa ra là vẫn đang trong quá trình “thương thuyết” với Bộ GD-ĐT để công nhận giá trị của bằng cấp đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Trước những động thái này, nhiều phụ huynh, HS, SV vẫn chưa yên tâm, chưa thỏa mãn và hai bên chưa thống nhất được một số vấn đề. Theo phản ánh, phía nhà trường trước đó chỉ cam kết bằng lời chứ chưa có động thái pháp lý. Theo phụ huynh của em Đặng Thị Hương Quỳnh thì: “Nhà trường cứ hứa giải quyết trả lại tiền đào tạo, nhưng bằng miệng, thử hỏi sau này chúng tôi đi kêu ở đâu? Tại sao nhà trường không ký cho chúng tôi một cam kết, sau 60 ngày nếu nhà trường chưa trả được tiền thì ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi cần văn bản bằng giấy trắng mực đen”, vị phụ huynh này nghiêm khắc đề nghị. Liên quan đến vấn đề hoàn trả học phí, nhiều phụ huynh bức xúc họ đã đợi hơn 60 ngày, thậm chí gần 90 ngày (theo lịch hẹn trả tiền của trung tâm) mà câu trả lời của Raffles vẫn chưa có. Trong khi đó, nếu SV nộp chậm học phí thì phải đóng lãi, nặng hơn là không được học tiếp. Các ý kiến của phụ huynh và SV đều yêu cầu Raffles trả 100% tiền đã đóng do nhà trường đã phá vỡ hợp đồng và trung tâm cũng phải bồi thường thiệt hại với SV đã có thời gian học tại đây. Hiện đã có 260 SV yêu cầu được hoàn trả học phí.
Đối với việc hoàn trả lại học phí, ông Alex Quah Ban Thong, Giám đốc Trung tâm Raffles khẳng định sẽ được tiến hành trong 60 ngày làm việc kể từ ngày trung tâm nhận được đơn yêu cầu (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ theo pháp luật Việt Nam). Hiện trung tâm đã trả học phí được cho 16 SV.
Lo bằng cấp không được công nhận
Chị Nguyễn Hương Lan, học chuyên ngành du lịch đã tốt nghiệp cuối năm 2009 và đã đi làm nhưng trong lòng vẫn canh cánh mối lo bị cho thôi việc giữa chừng, lí do bằng cấp của Raffles không có giá trị tại Việt Nam. Chị Lan cho biết: “Chúng tôi rất muốn có bằng được công nhận giá trị tại Việt Nam, nhưng hiện tại bằng của trường Raffles không được công nhận nữa, có nghĩa là bằng của chúng tôi đang có là vô giá trị. Ông Giám đốc Trung tâm Raffles nói rằng, bằng này vẫn được công nhận tại các nước khác. Tuy nhiên chúng tôi đâu phải ai cũng có tiền để ra nước ngoài làm việc. Hơn nữa, chúng tôi đến đây học để có bằng đi làm việc, việc trường không được công nhận nữa tức là chúng tôi mất quyền lợi, bằng không còn giá trị, không giá trị thì không xin được việc” chị Lan cho biết.
Cùng bức xúc, chị Trần Bích Ngọc đã tốt nghiệp chuyên ngành du lịch cho biết, chị sẵn sàng trả lại tấm bằng đào tạo để lấy lại kinh phí đào tạo trong mấy năm trước đó. Lí do là bằng của Raffles hiện không còn giá trị tại Việt Nam nữa. “Bằng của chúng em sau khi học xong chỉ có dấu là “trung tâm dạy nghề”, trong khi đó đóng tiền học phí như một trường ĐH ở nước ngoài, em cũng không thể hiểu được bằng đó có giá trị như thế nào? Hơn nữa, em chấp nhận trong mấy năm đó là công cốc để lấy lại tiền kinh phí đào tạo” chị Ngọc thẳng thắn nói. Được biết, từ khi Trung tâm Đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội bị dừng hoạt động đào tạo, nhiều SV đã tốt nghiệp, đã có công việc ổn định đang đứng trước bờ nghỉ việc vì phía tuyển dụng cho rằng bằng của Raffles không có giá trị. Tất cả những SV này đều yêu cầu Raffles phải hoàn trả lại kinh phí đào tạo và họ sẵn sàng trả lại bằng mà Raffles đã cấp trước đó.
Theo chứng kiến của chúng tôi tại buổi họp chiều tối 21-3, sau khi lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh, HS, SV, ông Alex Quah, xác nhận rằng:
Thứ nhất, đối với SV đã tốt nghiệp và đã được cấp bằng nhà trường không hoàn trả lại kinh phí đào tạo: “Chúng tôi đang trao đổi với Bộ GD-ĐT để công nhận giá trị bằng cấp này” ông Alex Quah cho biết. Ông Alex Quah cũng cho biết, đối với SV của Raffles đang công tác với các vị trí làm việc khác nhau, theo thống kê chưa em nào bị cho nghỉ việc vì vấn đề bằng cấp. Trong trường hợp SV gặp khó khăn khi đi xin việc hoặc bị nhà tuyển dụng từ chối và cơ quan đang công tác cho nghỉ việc thì nhà trường sẽ giải quyết tất cả việc đó. Bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng phòng Đào tạo và quản lý SV Raffles cũng cho hay trung tâm đã có thư gửi đến các SV đã tốt nghiệp. Nếu họ đi xin việc mà gặp khó khăn trong vấn đề bằng cấp thì nhà trường sẽ có người đến trao đổi giúp SV.
Trước câu trả lời này, rất nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình và hai bên đi đến bản cam kết chung sẽ tiếp tục có buổi gặp sắp tới vào cuối tháng 3 để giải quyết các vấn đề chưa ngã ngũ. Đồng thời, sáng 22-3, Công an và Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với Raffles Hà Nội.
Bộ không chấp nhận khôi phục chương trình
Trước đó, ngày 15-3 Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội không được khôi phục lại các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ 1, 2 và 3 tại Việt Nam. Nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của thanh tra Bộ GD-ĐT.
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT không đồng ý cho Raffles Hà Nội khôi phục bởi số SV, chương trình đã có quyết định xử phạt là chương trình trái pháp luật. Raffles Hà Nội đào tạo cấp bằng CĐ, ĐH tại Việt Nam là hoàn toàn sai, bản thân lãnh đạo của trung tâm cũng đã thừa nhận toàn bộ việc này. Cấp độ 1, 2, 3 mà Bộ GD-ĐT cấm là các chương trình cấu thành hệ đào tạo CĐ, ĐH, cả một chuỗi từ khâu tuyển sinh đến đào tạo. Rõ ràng đây không phải là hệ đào tạo nghề ngắn hạn như họ đã đăng ký để được cấp phép.
Được biết, ở Hà Nội, từ thời gian thành lập đến nay, Raffles đã đào tạo được tất cả 626 SV. Nhưng từ 17-1-2012 đến nay, trung tâm này đã dừng mọi hoạt động đào tạo, tuyển sinh sau khi có kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)