Sự kiện giáo dụcTin tức

Dạy thanh thiếu niên sống có lý tưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải đến bây giờ, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống với thanh thiếu niên mới được đề cập, và dù những giải pháp, cách làm trước đây đã tạo ra được chuyển biến nhưng thời gian tới vẫn còn rất cần những biện pháp mạnh…
“Người lớn còn đánh nhau, huống chi”…
Quan điểm của một học sinh THCS là “ngày nay, mỗi người phải biết tự vệ, người lớn còn đánh nhau huống chi là mình”. Còn lý do đánh bạn của một học sinh 14 tuổi khi được hỏi là “Tại cái mặt nó thấy… ghét, làm em tức khí lên”… Đây là điều khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình nhưng thực tế cũng chẳng mấy xa lạ. Chuyện học sinh đánh nhau, thanh thiếu niên sống buông thả, trộm cắp, phạm tội diễn ra thường xuyên, khó kiểm soát. ThS. Châu Phụng Chi (Phó trưởng phòng Kinh tế Q.1) chỉ ra thực trạng ngày càng có nhiều người trẻ phạm tội.  “Khi theo dõi một số vụ xét xử người phạm tội vị thành niên, có thể nhận thấy, động cơ phạm tội đa phần xuất phát từ sự lệch lạc về tâm sinh lý, do chịu tác động từ các trò chơi bạo lực, khiêu dâm hay lối sống hưởng thụ, ích kỷ”…, ThS. Chi cho biết. Tại tọa đàm “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống đối với thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 5-4, Hội Sinh viên (SV) TP.HCM cũng thừa nhận, do mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự thiếu nghiêm túc rèn luyện, một bộ phận SV nước ta đang có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại như phai nhạt lý tưởng, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, ngại lao động, thích hưởng thụ… làm ảnh hưởng đến tương lai chính các bạn trẻ, cản trở sự phát triển của xã hội. Ở góc độ tâm lý xã hội, TS. Đinh Phương Duy (Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ Thành phố) nhận định, hiện các giá trị xã hội đang thay đổi, các bạn trẻ lại chưa được giáo dục giá trị một cách bài bản, đồng bộ do đó một bộ phận trong số đó đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu những giá trị “ảo”, không phù hợp với chuẩn mực xã hội.  Một số khác cũng ít quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, ít hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống, khó thích ứng với các tình huống bất thường dẫn đến có những hành động nông nổi hoặc quá khích.
Cũng theo TS. Duy, trong khá nhiều trường hợp, người lớn đã không gương mẫu, thậm chí “dập tắt” tinh thần cộng đồng hoặc những nét tính cách tốt đẹp của trẻ ngay từ nhỏ chỉ vì suy nghĩ cá nhân, ích kỷ.  Một số bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm, khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường vì lý do bận công việc. Trong khi đó, tại trường, do áp lực công việc, việc dạy chữ vẫn còn được đặt nặng hơn “dạy người”. Một số giáo viên thiếu gương mẫu, để lại ấn tượng không tốt đẹp trong học sinh… Chị Lư Thị Thu Trang (Bí thư Đoàn phường 10, Q.3) cũng đánh giá, ở trường học chưa chú trọng nhiều đến giáo dục nhận thức, lối sống cho thanh niên; ít các tiết học về giáo dục công dân, chỉ bám theo đề cương, giáo án mà thiếu liên hệ thực tiễn.
Lý tưởng lớn từ hành động nhỏ
TS. Hồ Thiệu Hùng (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng, đối với thanh thiếu niên hiện nay, việc giáo dục lẽ sống nên xuất phát từ quyền lợi thân thiết hàng ngày của chính họ rồi nâng cao dần lên mức giác ngộ quyền lợi của cộng đồng, đoàn thể, dân tộc. Cụ thể, tối thiểu cần trang bị cho các em kỹ năng để thực hiện lẽ sống đã chọn và thái độ trung thực, nói đi đôi với làm. Bởi thực tế, nhiều em xác định được ước mơ, lẽ sống nhưng khi thực hiện lại lúng túng. ThS. Châu Phụng Chi cũng đồng quan điểm, giáo dục nên hướng vào những hành động cụ thể, như giáo dục về lòng yêu nước xuất phát từ hành động đơn giản thiết thực là bầu chọn cho Vịnh Hạ Long hay nhắn tin góp đá xây dựng Trường Sa… Để lý tưởng cách mạng ăn sâu vào các bạn trẻ, Lê Thiều Mai Thảo (SV 5 tốt Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) nêu phương hướng: “Các mô hình hoạt động, các giải pháp giúp nâng cao ý thức trong SV hoạt động rất tốt, đạt được mục đích nhưng nếu mô hình ngừng hoạt động thì SV còn giữ được ý thức tốt không? Cần làm sao để thông qua những hoạt động ấy tạo được thói quen trong SV, không cần nhắc nhở vẫn có ý thức thực hiện”.
Mê Tâm

Bình luận (0)