Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tại lễ tốt nghiệp năm 2011
|
Các nhà giáo dục cho rằng, vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH nước ta phải làm triệt để từ gốc. Nếu không, sẽ chẳng thay đổi được diện mạo giáo dục.
Tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 13-4, nhiều ý kiến cho rằng, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH, cần có kế hoạch tổng thể, sự chuẩn bị lâu dài từ đường hướng giáo dục, hệ thống nhân sự, chiến lược xây dựng, cơ chế tài chính…
Đổi nhưng chưa… mới!
GS.TS Trần Hồng Quân (Ủy viên Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá thực trạng giáo dục ĐH nước ta qua bốn từ nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ và gò bó. Nghèo nàn do ngân sách quốc gia hạn chế, mặt khác, bản thân ngành giáo dục còn thụ động, chỉ biết trông chờ ngân sách, không chịu khai thác các nguồn sức mạnh từ xã hội lại sử dụng ngân sách kém hiệu quả. Lạc hậu không chỉ trong chương trình, công nghệ dạy học mà còn ở tầm nhìn, cơ chế quản lý. Trì trệ do chưa thoát khỏi cơ chế tập trung, bao cấp. Trên 400 trường, phần lớn là các trường công lập về cơ bản không được tự chủ về tài chính, nhân lực và chuyên môn. Các trường dù hoạt động tốt hay kém đều được bao cấp sinh ra ỷ lại. Có khi muốn năng động lại vướng nhiều thứ, bởi có đơn vị chỉ được bao cấp 25% chi tiêu, phần còn lại từ các nguồn thu nhập chính đáng khác nhưng vẫn bị gò vào Luật Ngân sách chung. Sự gò bó trong quản lý giáo dục còn ở chỗ xây dựng mô hình chung cho tất cả các trường (chương trình khung, cách tuyển sinh…) gây trở ngại cho sự phát triển. Trong khi đó, vấn đề đổi mới giáo dục ĐH nói riêng và toàn hệ thống giáo dục nước nhà nói chung suốt thời gian qua lại tiến từng bước chậm. PGS.TS Huỳnh Như Phương (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ ra rằng, những gì mà giáo dục ĐH làm được trong vòng 25 năm qua chỉ là những sửa đổi nhỏ, không căn bản. Suốt mấy chục năm đó mà giáo dục ĐH vẫn chưa đề xuất được cho xã hội một mô hình giáo dục nào để có thể tin rằng đổi mới thực sự thành công. Giữa tình hình như vậy mà ngày càng nhiều trường ĐH lại được cấp phép thành lập trong khi chưa hội đủ những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… càng làm suy giảm vị thế của nền giáo dục.
Cần có luật làm “chỗ dựa”
Để “thay áo mới” cho giáo dục ĐH, GS.TS Trần Hồng Quân đề nghị giải quyết triệt để bài toán tài chính của giáo dục ĐH, không được né tránh. Bài toán này tuy đã được đặt ra nhiều lần nhưng cứ bị… gác lại do tâm lý lo sợ người nghèo không có tiền đi học. Thực tế, chi phí cao chưa chắc có chất lượng cao nhưng chi phí quá thấp chắc chắn chất lượng thấp. “Phải suy nghĩ rạch ròi rằng chi phí tối thiểu để có thể đảm bảo chất lượng là yêu cầu khách quan, tất yếu. Nếu thiếu nó thì ta không có “hàng thật”. Không thể cứ lảng tránh yêu cầu tất yếu đó để rồi kéo dài triền miên tình trạng một nền ĐH xơ xác, chỉ chi vài trăm đô la cho một sinh viên trong năm, bằng 1/10 mức của khu vực và xấp xỉ 1/100 của các nước tiên tiến”- GS. Quân nói.
Các trường đều cho rằng, việc đổi mới chỉ thực sự hiệu quả nếu được thực hiện từ gốc và bằng những giải pháp mạnh. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào việc khuyến khích thành lập các trường CĐ, trung cấp nghề đồng thời tạm ngưng thành lập các trường ĐH. Cả việc cho nước ngoài đầu tư vào giáo dục ĐH cũng phải hết sức thận trọng. PGS. Huỳnh Như Phương chú trọng khâu đổi mới tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự. Bởi theo ông, một trường ĐH mà những người quản trị bất tài và thiếu tâm huyết thì không có được đội ngũ nhà giáo tài năng, yêu nghề. Và một khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong nền giáo dục ĐH thì họ sẽ tiếp tục tuyển chọn những người khác tương tự hình ảnh của họ.
Tham dự và ghi nhận những ý kiến đóng góp cho việc cải tiến nền giáo dục ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nêu phương hướng: “Để việc đổi mới giáo dục ĐH được thực hiện căn bản và bền vững cần có hệ thống pháp luật vững chắc. Vì vậy, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ xây dựng Luật Giáo dục ĐH và hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của bước thông qua luật này. Khi đó, tất cả những vấn đề có tính gai góc như phân tầng, tự chủ ĐH, kiểm định chất lượng, xã hội hóa giáo dục đều được giải quyết trong dự luật. Việc đổi mới căn bản giáo dục ĐH nhất thiết phải ban hành Luật Giáo dục ĐH, nếu thiếu hệ thống luật này, chúng ta cứ làm một cách chắp vá thì không thể nào bền vững được”.
Cũng theo Thứ trưởng, Luật Giáo dục ĐH sắp tới sẽ giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường, cụ thể sẽ bỏ chương trình khung và thay vào đó quy định dưới hình thức khác (dạng khối kiến thức hoặc tương đương), việc in – cấp bằng cũng vậy. Đồng thời, sẽ yêu cầu việc thành lập hội đồng trường, tập trung nhiều quyền hơn để điều hành hoạt động tự chủ của các trường. “Chúng ta không thể dùng mô hình giáo dục của quốc gia nào để áp dụng thẳng vào nước ta mà cần có bước chuyển tiếp, dần dần sẽ đổi mới căn bản, toàn diện” – Thứ trưởng Ga nói.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Việc đổi mới căn bản giáo dục ĐH nhất thiết phải ban hành Luật Giáo dục ĐH, nếu thiếu hệ thống luật này, chúng ta cứ làm một cách chắp vá thì không thể nào bền vững được”. |
Bình luận (0)