Sự kiện giáo dụcTin tức

Sẽ xây dựng lại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội)

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn một tuần qua, hàng trăm bà con tiểu thương chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) liên tục đóng sạp hàng; đi khiếu nại các cấp từ quận đến Trung ương về việc không đồng thuận xây dựng Dự án chợ – văn phòng – trung tâm thương mại Nghĩa Tân. Đây không phải lần đầu tiên bà con khiếu nại về dự án xây dựng mà sự việc này bắt đầu từ năm 2008. Trước thực trạng trên, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: Hiện tại, các cấp, các ngành quận Cầu Giấy đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con ổn định tư tưởng, tạo điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai và bà con sớm bán hàng trở lại.

Các nội dung bà con đang kiến nghị tập trung vào 2 vấn đề: Thứ nhất, chợ Nghĩa Tân là chợ loại 1 không phải là chợ loại 2, vì vậy việc phân loại chợ chưa hợp lý. Thứ hai, chợ Nghĩa Tân không chỉ là tài sản của Nhà nước, mà của cả bà con do thời điểm năm 1995 có hơn 90 hộ kinh doanh đã đóng góp 6,5 triệu đồng/hộ. Tuy vậy, theo quy định về phân loại chợ được Sở Công Thương Hà Nội phúc đáp công văn của quận Cầu Giấy, chợ Nghĩa Tân là chợ loại 2. Trước đó, theo Thông báo số 410/TB-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 24/11/2010, kết luận đơn tố cáo, phản ánh của một số công dân đại diện các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân: Công trình chợ Nghĩa Tân là tài sản của Nhà nước. Toàn bộ hồ sơ thu thập không có tài liệu nào thể hiện các hộ cùng đóng góp vốn sở hữu với Nhà nước để xây dựng công trình chợ Nghĩa Tân cũ. Các hộ kinh doanh đã nộp trước tiền để thuê chỗ trong 5 năm từ trước khi xây dựng chợ Nghĩa Tân năm 1995.

Ông Trần Việt Hà cũng cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng Dự án chợ – văn phòng – trung tâm thương mại Nghĩa Tân, quận đã nhiều lần họp thông báo và đối thoại, trả lời thắc mắc của bà con tiểu thương theo đúng quy trình.

Chợ Nghĩa Tân cũ được xây dựng cách đây gần 20 năm, hiện có 498 hộ kinh doanh cố định. Đến nay, chợ Nghĩa Tân đã xuống cấp, không phù hợp với xu hướng hiện đại hóa ngành thương mại Thủ đô và quy hoạch đô thị thành phố. Chợ mới sẽ được xây dựng cao 9 tầng và 3 tầng hầm, bố trí đủ các hộ kinh doanh cũ khi quay trở lại chợ. Quận Cầu Giấy cũng xây dựng chợ tạm trên đường Nguyễn Phong Sắc, cách chợ cũ vài trăm mét; xây dựng chính sách hỗ trợ di chuyển cho bà con và quy chế bốc thăm vị trí kinh doanh tại chợ tạm.

Đinh Thị Thuận
Báo tin tức

Bình luận (0)