Sáng 3-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT và các sở, ngành liên quan về sơ kết 5 năm thực hiện mô hình trường công lập chất lượng cao – Trường THPT Lê Quí Đôn.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương cho biết: Đầu những năm 2000, trên địa bàn TP.HCM ồ ạt ra đời các trường có yếu tố nước ngoài. Lúc đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đã suy nghĩ tại sao ngành GD-ĐT TP lại không xây dựng một trường chất lượng cao. Ở nơi đó học sinh (HS) sẽ tự tin, năng động, được trang bị các kỹ năng ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, môi trường giáo dục này sẽ phát huy tính tự học của HS. Với những suy nghĩ này, mô hình trường chất lượng cao hội nhập quốc tế đã ra đời…
Sở dĩ, Sở GD-ĐT TP chọn Trường THPT Lê Quí Đôn để thực hiện là bởi trường nằm trên địa bàn Q.3, nơi đời sống của người dân tương đối khá giả. Nhưng quan trọng hơn là Q.3 có nhiều trường THPT như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Diệu, Marie Curie, Trung tâm GDTX quận đủ đáp ứng nhu cầu học tại các cơ sở giáo dục công lập của con em nhân dân trên địa bàn.
Được sự chấp thuận của lãnh đạo TP, từ năm học 2006-2007, Trường THPT Lê Quí Đôn bắt đầu tuyển sinh theo mô hình trường chất lượng cao. Theo đó, ngân sách vẫn cấp kinh phí cho trường như tất cả các trường THPT công lập trên địa bàn và trường được thu học phí với mức cao (cụ thể lớp 10: 890 ngàn đồng/HS/tháng; lớp 11: 850 ngàn đồng/HS/tháng; lớp 12: 900 ngàn đồng/HS/tháng). Nếu so với các trường THPT công lập khác, học phí của Trường THPT Lê Quí Đôn cao hơn khoảng 30 lần. Song, trong khi các trường khác được thu học phí buổi thứ 2, học phí tăng cường ngoại ngữ và nhiều khoản thu khác thì Trường THPT Lê Quí Đôn không thu thêm khoản nào khác. Đặc biệt có tới 48% học phí này được sử dụng để chi cho HS. Chính vì vậy mà HS Trường THPT Lê Quí Đôn được học trong một môi trường hoàn thiện nhất. Trong khi sĩ số của các trường khác đều khoảng 50 HS/lớp thì ở đây chỉ có 30 em. Trong mỗi lớp học đều được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ việc học tập của HS.
Sau 5 năm thực hiện mô hình này, “Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT của trường đạt 100%/năm học, tỷ lệ HS đậu ĐH-CĐ từ 65 đến 95%. HS được phát triển toàn diện, được giáo viên quan tâm chăm sóc để phát huy sở trường, khắc phục khiếm khuyết”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam khẳng định.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cũng cho biết, sau 5 năm triển khai mô hình này, Trường THPT Lê Quí Đôn đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, được nhiều phụ huynh tín nhiệm cho con học tại đây. Theo đó mà điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của trường luôn nằm trong top 10 trường có điểm chuẩn cao. Trong năm học tới, ngành GD-ĐT TP sẽ nhân rộng mô hình này tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11). Hai trường này cũng nằm trên địa bàn có dư chỗ học cho con em nhân dân.
Tuy vậy, mô hình Trường THPT Lê Quí Đôn cũng đang bộc lộ một số hạn chế. Đó là, mức chi cho con người từ học phí chỉ có 30%. Do vậy, “thu nhập của công nhân viên chỉ có 2,8-3,6 triệu đồng/người, giáo viên là 4,6-7 triệu đồng/người, so với vật giá hiện nay là lạc hậu. Nếu so với thu nhập của các đồng nghiệp ở những trường THPT công lập có tổ chức dạy thêm – học thêm thì không bằng”, ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận kết luận: “Trường THPT Lê Quí Đôn không phải là trường chất lượng cao theo chuẩn quốc tế mà là trường công lập chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế. Vì là trường công lập nên nhà nước đầu tư một phần, có sự đóng góp của phụ huynh để lo cho con em họ. Trên cơ sở Nghị định 43 và 49, Sở GD-ĐT, các đơn vị liên quan cần xây dựng và nhân rộng mô hình Trường THPT Lê Quí Đôn. Trong đó phải quan tâm nhiều hơn đến đời sống của giáo viên. Cách phân bổ học phí hiện nay (30% cho con người, 20% cho cơ sở vật chất, 48% chi cho HS, 2% chi khác) là chưa hợp lý, phải điều chỉnh lại…”.
Được biết, trong kỳ họp HĐND tháng 6 tới đây, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND về mô hình Trường Lê Quí Đôn.
Hòa Triều
Bình luận (0)