Ngày 10-5, tại Hà Nội, các sở GD-ĐT từ Thừa Thiên – Huế trở ra đã tiến hành bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ cho các trường. Trong số các sở bàn giao đợt 1 có 4 sở là Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình chuyển qua đường bưu điện. Năm nay, đa số các “đại gia” về số lượng hồ sơ đều sụt giảm.
Khối A vẫn là số 1
Năm 2011 Bộ GD-ĐT đã có thống kê mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh và đào tạo. Theo thống kê trong tổng số 416 trường ĐH, CĐ tuyển sinh chỉ có 76 trường ĐH và 92 trường CĐ không tuyển sinh các ngành khối kinh tế là các trường thuộc khối y – dược, năng khiếu – nghệ thuật và một số trường sư phạm.
Năm nay, tình trạng “lệch” vẫn không có gì khả quan hơn. Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này đã có gần 164.000 bộ hồ sơ đăng kí dự thi (ĐKDT), ít hơn 2.000 bộ so với năm trước. Trong đó có 137.396 bộ ĐKDT vào các trường ĐH, chiếm 84,06%. So với năm trước, tỷ lệ này tăng gần 3%.
Ước tính, trung bình mỗi học sinh (HS) lớp 12 đã nộp 2,12 bộ hồ sơ (năm 2011 là 2,05 hồ sơ). Tính chung cả khối trường ĐH, CĐ, số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A nhiều nhất, với 76.392 bộ (tỷ lệ 47,07%). Tỷ lệ hồ sơ ĐKDT vào khối B là 14,22%, khối C là 4,54%, khối D là 24,51%, tương đương năm 2011. Sở GD-ĐT Nam Định, tổng số hồ sơ ĐKDT: 52.230 hồ sơ, giảm trên 10% so với năm trước (năm 2011, Nam Định có 59.317 hồ sơ). Trong đó khối A: 29.456 hồ sơ; khối A1: 1.586; khối B: 10.098; Khối C: 2.095; Khối D: 7.241; khối năng khiếu: 1.754. 5 trường có số lượng hồ sơ ĐKDT cao nhất, gồm: ĐH Công nghiệp Hà Nội 4.484 hồ sơ; Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội: 3.917; Trường Điều dưỡng Nam Định: 2.425; ĐH Thủy lợi: 2.076 hồ sơ; ĐH Thương mại: 2.054.
Còn tại Sở GD-ĐT Bắc Giang, tổng số hồ sơ ĐKDT năm 2012: 31.243, cũng giảm so với 2011 (36.822 hồ sơ). Trong đó khối A chiếm tỉ lệ cao nhất: 16.421; A1: 698; Khối B: 7.261; Khối C: 2.623; D1: 3.510; D3: 52; D5: 1 hồ sơ. Trường có số lượng hồ sơ cao nhất là ĐH Công nghiệp Hà Nội với số hồ sơ đăng kí dự thi là 4.740; kế tiếp là Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội: 2.114; ĐH Y dược đứng thứ 3 với số hồ sơ: 1.696. Ông Tạ Văn Ánh, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, GDTX Sở GD-ĐT Bắc Giang, khẳng định năm nay, các trường thuộc khối A vẫn chiếm ưu thế, sau đó là các trường lâm, nông, ngư. Số thí sinh dự thi năm nay của Bắc Giang giảm so với năm 2011. Nguyên nhân là do số HS phổ thông lớp 12 năm nay ít, cộng với số thí sinh tự do cũng ít. Đặc biệt, số HS nộp nhiều hồ sơ cùng lúc năm nay rất hạn chế. Nhận định về số lượng HS giảm, ông Đặng Tất Thắng, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, GDTX Sở GD-ĐT Nam Định phân tích thêm: “Tỉ lệ giảm do HS năm ngoái đỗ nhiều, số lượng thí sinh tự do giảm. Đặc biệt năm nay số HS nộp nhiều hồ sơ giảm nên lượng hồ sơ “ảo” cũng giảm”.
Nếu hồ sơ của các trường khu vực đồng bằng giảm thì số hồ sơ của các đơn vị miền núi lại tăng so với năm trước. Cụ thể, Sở GD-ĐT Bắc Cạn, tổng số hồ sơ ĐKDT: 4.825 tăng 163 hồ sơ so với năm ngoái. Khối A có số lượng hồ sơ ĐKDT đông nhất: 1.804; khối B: 1.637.
Tương tự, Sở GD-ĐT Điện Biên tăng 200 hồ sơ (năm 2012: 4.999 (ĐH); CĐ: 2.699).
Rắc rối xung quanh cẩm nang tuyển sinh “chậm”
Năm nay Bộ GD-ĐT không phát hành cuốn Những điều cần biết mà giao cho NXB GD Việt Nam làm và phát hành. Tuy nhiên, NXB GD Việt Nam phát hành cuốn sách này có chậm hơn so với thời gian hàng năm. Chính vì vậy đã gây rất nhiều phiền toái cho các sở GD-ĐT trong việc hướng dẫn đăng ký dự thi. Ông Đặng Tất Thắng, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, GDTX, Sở GD-ĐT Nam Định cho hay trong 33 năm làm tuyển sinh của mình, ông chưa bao giờ thấy vất vả như năm nay. Cuốn Những điều cần biết “chính thống” ra chậm, trong khi các doanh nghiệp khác đã phát hành một loạt nên thông tin đến với thí sinh bị loạn, bị nhiễu. HS em thì tham khảo cuốn này em thì tham khảo cuốn kia, có em lại tìm trên mạng, thông tin sai lệch. Vì vậy, số lượng hồ sơ năm nay sai nhiều không kể hết. Chính vì vậy, ông Thắng đề nghị từ năm sau, Bộ GD-ĐT phải là nơi xuất bản cuốn cẩm nang Những điều cần biết và phát hành sớm cho các sở mua để có tài liệu chính thống, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn HS. Đồng cảnh với Sở Nam Định, Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề này. Ông Tạ Văn Ánh – Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Sở GD-ĐT cho biết: “Sai sót thì nhiều không kể hết nhưng có hai lỗi cơ bản nhiều HS mắc phải là không đúng ngành nghề, không đúng khối thi do thông tin trên website của các trường thiếu. Bắc Giang cũng là vùng khó khăn, nên không phải HS nào cũng có thể tra mạng. Các em nhìn giấy viết còn sai, huống chi nhìn từ mạng”. Còn Sở GD-ĐT Điện Biên thì cho hay Điện Biên là đơn vị miền núi. HS của Điện Biên cũng chủ yếu là dân tộc thiểu số nên bị hạn chế về công nghệ thông tin. Bản thân học lực của các em đã kém, dẫn đến nắm bắt thông tin cũng kém. Vì vậy, việc bộ ra quyết định, các em tra và tìm hiểu thông tin trên mạng khác gì gây khó cho các em.
Bên cạnh đó, các sở cũng đề nghị cùng với việc phát hành cuốn cẩm nang Những điều cần biết về các trường ĐH, CĐ, nhiều sở đề xuất bộ nên phát hành cuốn những điều cần biết hoặc tài liệu hướng dẫn đăng kí dự thi vào các trường trung cấp cùng lúc với tài liệu hướng dẫn vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy, công tác phân luồng mới có hiệu quả. Một cán bộ Sở GD-ĐT Sơn La cho rằng chủ trương của chúng ta là phân luồng nhưng cách làm lại ngược lại. Chúng ta phát hành tài liệu hướng dẫn ĐKDT ĐH, CĐ trước rồi sau đó mới phát hành tài liệu cho các trường trung cấp. Như vậy, HS chọn các trường ĐH hết rồi còn đâu thí sinh dự thi trung cấp.
Theo kế hoạch, ngày 12-5, tại TP.HCM, việc bàn giao hồ sơ tương tự sẽ diễn ra ở các trường ĐH, CĐ phía Nam từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)