Không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) nếu không có “cuộc cách mạng” sàng lọc, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên đào tạo nghề.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trường nghề không thu hút người học là kỹ năng của giáo viên còn yếu. Trong ảnh: Giáo viên một trường nghề hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành
Rõ ràng, CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam. Việc đào tạo nghề như thế nào, phương pháp ra sao để đáp ứng yêu cầu mới đã và đang được mổ xẻ, áp dụng; tuy nhiên cả lượng và chất xem như chưa ổn.
Giáo viên dạy nghề còn yếu công nghệ
PGS.TS Bùi Văn Hồng (Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) khẳng định, dưới sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 và xu hướng giáo dục STEM đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu năng lực nghề nghiệp của nhà giáo GDNN, những người tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, trong hệ thống GDNN, chương trình đào tạo thực hiện theo định hướng mô đun tích hợp, để triển khai đòi hỏi giáo viên phải có năng lực dạy học tích hợp và linh hoạt trong phương pháp dạy học. “Trong bối cảnh hiện nay, nhà giáo GDNN không những giỏi về chuyên môn, thực hành kỹ năng nghề, năng lực dạy học kỹ thuật mà còn là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, ứng dụng công nghệ và đổi mới phương pháp dạy học. Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn nhà giáo GDNN ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ mới và đổi mới phương pháp dạy học. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo”, PGS.TS Bùi Văn Hồng nhìn nhận.
Ông Ngô Quang Trường (chuyên gia công nghệ thông tin thuộc Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM) thẳng thắn nhìn nhận: Khi tham gia đứng lớp một số buổi tập huấn ứng dụng công nghệ số cho giáo viên trường nghề, tôi thật sự lo lắng về năng lực dạy học kỹ thuật của đội ngũ này. Trong số đó, tôi lo nhất là những người trực tiếp giảng dạy thực hành các ngành nghề có ảnh hưởng lớn trước tác động của CMCN 4.0.
Cũng theo ông Ngô Quang Trường, giáo viên dạy nghề trong khu vực rất giỏi về ứng dụng công nghệ IoTs trong phát triển dạy học số và công nghệ thực tế ảo. Họ đã đón đầu xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai với nền tảng dạy học, được bắt đầu từ khảo sát nhu cầu việc làm, đánh giá tác động về ngành nghề trong tương lai. Từ đó có kế hoạch đào tạo giáo viên dài hơi đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Đề cập đến vai trò của giáo viên dạy nghề trước CMCN 4.0, PGS.TS Bùi Văn Hồng cho rằng trước CMCN 4.0, vai trò của giáo viên dạy nghề sẽ chuyển dần từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn người học phát hiện kiến thức mới. Đồng thời qua các lớp học số, lớp học ảo phát triển mạnh, người học sẽ quen dần với việc học tập qua internet, cùng với sự hướng dẫn của giáo viên ảo.
Nâng chất lượng bằng cách nào?
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trường nghề không thu hút người học mà ít được đề cập đến là kỹ năng của giáo viên còn yếu. Với vấn đề này, anh Trần Phong Quang (Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV cơ điện Đạt Thành, Đồng Nai) chỉ rõ: Quy định người đứng lớp phải có bằng này, chứng chỉ kia là quá cứng nhắc. Trong khi những người thợ có nhiều kinh nghiệm, khả năng truyền đạt tốt, lôi cuốn, tâm huyết… thì không được tuyển chọn. Nói vậy không phải tôi chê giáo viên dạy nghề yếu kém, nhưng có một thực tế là kỹ năng (kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, kỹ năng ngoại ngữ…) của một số người rất hạn chế, khó tạo hứng thú đối với người học.
Anh Trần Phong Quang phân tích thêm, năng lực thực hành kỹ năng nghề rất quan trọng, nó quyết định đến chất lượng đầu ra của người học. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng xem đấy là tiêu chí để tuyển chọn. Để làm được điều này, anh Trần Phong Quang cho rằng cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực của các trường nghề, các khoa đào tạo sư phạm nghề hiện nay để có hướng điều chỉnh phù hợp, tránh lãng phí…
Để nâng chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, PGS.TS Bùi Văn Hồng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng mở; cơ cấu lại đội ngũ và ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với xu hướng của CMCN 4.0. Đồng thời ưu tiên triển khai dạy học số, dạy học trực tuyến trong hệ thống GDNN; quy định chuẩn tiếng Anh cho nhà giáo, mời gọi chuyên gia từ các doanh nghiệp và doanh nghiệp số tham gia giảng dạy… Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cần chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách mời gọi cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia giảng dạy và tăng cường thời lượng thực tập cho người học tại doanh nghiệp.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)