Đa số sinh viên khoa tiếng Trung xem việc học tiếng Anh là… cực hình, khó nuốt nên ít chịu đầu tư, cố gắng. Nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp khoa này thậm chí không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Không ít SV còn quan niệm, mình là “dân” tiếng Trung chỉ cần chú tâm vào chuyên ngành, không nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ khác.
Chỉ cần giỏi tiếng Trung?
Kết quả nghiên cứu “Việc học tiếng Anh của SV Khoa Tiếng Trung Trường ĐH Sư phạm TP.HCM” do nhóm SV Châu Gia Lệ, Châu Thi Bối (năm nhất, Khoa Tiếng Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho thấy, đa phần SV khoa tiếng Trung ngại học tiếng Anh, còn lại gần 15% “không thích không ghét” và 40% có thiện chí học. Thực tế là hầu hết SV khoa tiếng Trung đều nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong đời sống và yêu cầu công việc thời nay. Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh của SV khoa tiếng Trung vẫn chưa cao, nhiều em mất kiến thức cơ bản và thiếu kỹ năng giao tiếp. Trong khi đó, việc học tiếng Anh của các em lại khá thụ động. Không ít SV tỏ ra sợ hãi, trốn tránh cộng tác với giáo viên trong giờ học; ngại nói sai trước đám đông. Thậm chí khi giáo viên yêu cầu học nhóm, nhiều SV lại làm việc… riêng hoặc thảo luận “cho có”. Cơ hội việc làm đã tuột khỏi tay nhiều SV khi tốt nghiệp vì không đáp ứng trình độ tiếng Anh.
Theo nhóm tác giả, việc SV dè dặt với tiếng Anh xuất phát bởi nhiều nguyên do, từ việc chính các em thiếu kiến thức nền tảng đến cách giảng dạy chưa thật sự cuốn hút của giảng viên, giáo trình không phù hợp. Mặt bằng tiếng Anh của SV trong lớp không đồng đều dẫn đến tình trạng những SV kém không theo nổi chương trình còn SV giỏi lại nhàm chán. Đặc biệt, quan niệm tiếng Trung mới là môn chuyên ngành nên SV xem nhẹ việc rèn luyện tiếng Anh. “Nhiều SV nhút nhát, ngại giao tiếp, học mà thiếu “hành”, đến khi không thấy hiệu quả lại đổ lỗi cho việc thiếu môi trường giao tiếp, đối thoại. Trong khi đó, các bạn có thể tham gia các CLB ngoại ngữ, làm quen hoặc làm “hướng dẫn viên” cho du khách nước ngoài để tự cải thiện, nâng cao khả năng ngoại ngữ…” – SV Châu Gia Lệ nhấn mạnh.
Xếp đúng lớp, học đúng trình độ
Việc “phân luồng” đầu vào cho SV là khâu quan trọng trước tiên mà nhóm tác giả hướng đến đối với việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh. Cụ thể, cần tổ chức kiểm tra trình độ đầu vào, xếp cho SV ngồi “đúng lớp” từ đó áp dụng những giáo trình, chương trình đào tạo thích hợp tương ứng mỗi trình độ. Giáo trình quá nặng hoặc khó sẽ khiến SV “choáng ngợp” và không theo kịp, dễ dẫn đến… buông xuôi. Ngược lại, chương trình nhẹ quá cũng khiến SV hết hứng thú tìm hiểu, khám phá. Việc “phân luồng” đầu vào cũng sẽ tạo ra những đối tượng SV không đủ “chuẩn”, cần tự nâng cao trình độ để tiếp tục
theo học vào năm thứ 2. Tương tự, những SV “vượt chuẩn” cũng cần được tạo điều kiện thông thoáng hơn bằng việc nộp bằng xác nhận trình độ, đồng thời tham dự đầy đủ các buổi kiểm tra giữa kỳ hoặc kết thúc môn. Tống Phạm Hàn Vân (SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Để đạt hiệu quả trong việc rèn luyện khả năng tiếng Anh, em tạo thói quen đọc tin tức bằng tiếng Anh hằng ngày. Thói quen này không chỉ giúp tăng cường vốn từ vựng mà còn rèn kỹ năng viết bài luận.
Làm mới chương trình giảng dạy từ phía giảng viên cũng là giải pháp được “kỳ vọng” bởi nhiều SV. Thực tế, việc giảng viên chỉ chú trọng dạy từ vựng và ngữ pháp dẫn đến tình trạng SV biết tiếng Anh nhưng không sử dụng được. Tăng cường kỹ năng nghe, nói thông qua chương trình học sống động chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả mong đợi cho công tác đào tạo.
Mê Tâm
Bình luận (0)