Tự do dịch chuyển lao động trong Cộng đồng ASEAN là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với lao động cũng như công tác đào tạo nghề của Việt Nam. Các chuyên gia lao động cảnh báo sẽ có nhiều rào cản đối với sự dịch chuyển lao động, trong đó có trình độ ngoại ngữ, trình độ khoa học công nghệ…
Người lao động tìm việc tại Ngày hội việc làm do Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về lao động kỹ năng ở trình độ CĐ trong 8 nhóm ngành nghề, lĩnh vực gồm kỹ sư, kiến trúc sư, khảo sát đo đạc bản đồ, bác sĩ, điều dưỡng, kế toán và du lịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng đã có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS) đối với lao động có trình độ trung bình và thấp.
Các chuyên gia đào tạo nghề cũng khẳng định, những thỏa thuận này tạo ra sự công nhận công bằng về trình độ đào tạo, kỹ năng của lao động khi làm việc trong khu vực ASEAN. Lao động các nước sẽ được hưởng mức lương và thu nhập tương xứng khi tham gia thị trường lao động khu vực. Đặc biệt là có cơ hội thăng tiến cũng như nâng cao trình độ tay nghề và kỹ năng nghề.
TS. Wendy Cunningham (Ngân hàng Thế giới) cho rằng công nghệ kỹ thuật số sẽ làm thay đổi bản chất của các công việc trong tương lai. Theo đó, khi công nghệ thay thế người lao động thì năng suất sẽ tăng 250%. Ảnh hưởng lớn nhất từ công nghệ kỹ thuật số không phải do mất việc làm mà do thay đổi công việc, yêu cầu về kiến thức chuyên môn, kỹ năng của con người và trình độ kỹ thuật số. “Yêu cầu công việc sẽ thay đổi nhanh chóng do công nghệ thay đổi. Để thuận lợi trong dịch chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc đào tạo kỹ năng bên cạnh chuyên môn là cần thiết và cấp bách đối với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam”, TS. Wendy Cunningham lưu ý. |
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH), Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và ban hành khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18-10-2016, bao gồm 8 bậc trình độ, trong đó GDNN bao gồm các trình độ từ bậc 1 đến bậc 5. Bên cạnh khung trình độ quốc gia, khung trình độ kỹ năng nghề gồm 5 bậc theo Luật Việc làm cũng đã được ban hành. Tại cuộc họp Tổ công tác thực hiện MRAs, MRS, triển khai VQF trong GDNN và thực hiện khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) được tổ chức mới đây, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và dự kiến về triển khai các thỏa thuận của Cộng đồng kinh tế ASEAN, triển khai VQF và AQRF. Cụ thể, các đại biểu chia sẻ thông tin khu vực và kinh nghiệm các nước cũng như sáng kiến thực hiện vào năm 2020; xây dựng kế hoạch thực hiện các thỏa thuận, VQF và AQRF; cung cấp thông tin liên quan đến lao động ngoài nước, vấn đề dịch chuyển lao động, xây dựng kế hoạch, báo cáo tham chiếu; cung cấp thông tin liên quan đến quản lý văn bằng, trình độ, chương trình đào tạo GDNN; cung cấp thông tin liên quan đến tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia… Một số ý kiến cho rằng, hiện nay đã có căn cứ rất tốt là VQF và khung trình độ kỹ năng nghề để tiến hành công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng. Tuy nhiên, nền tảng giáo dục và đào tạo, cơ sở hạ tầng khác biệt giữa các quốc gia, trình độ ngoại ngữ, năng lực, kỹ năng nghề của lao động là những khó khăn trong chuyển dịch lao động. Để triển khai tốt VQF và AQRF cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ/ngành liên quan, sự tham gia của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo; xây dựng các quan hệ thỏa thuận, công nhận song phương…
Gấp rút hoàn thiện thỏa thuận chung ASEAN
TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) nhìn nhận: Việc triển khai VQF và AQRF có một số thuận lợi, mang lại nhiều lợi ích lớn cho lao động Việt Nam. VQF được xây dựng 8 bậc tương thích và phù hợp với khung trình độ châu Âu (EQF) và AQRF. Với những mục tiêu rõ ràng ở mỗi bậc trình độ, người lao động có cơ hội được học liên thông các trình độ cao hơn, có cơ hội học tập suốt đời, được công nhận trình độ và hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp; làm căn cứ để các doanh nghiệp tuyển dụng và các cơ sở GDNN phát triển chương trình đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai VQF và AQRF còn gặp một số khó khăn, bất cập vì hiện nay vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể để triển khai VQF đối với các trình độ thuộc GDNN. Bên cạnh đó, hiện nay chưa thành lập Ủy ban quốc gia với nhiệm vụ thực hiện tham chiếu AQRF… TS. Dũng cho biết năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, vì vậy những nội dung liên quan tới thực hiện các thỏa thuận chung trong khối ASEAN trên đây cần đưa vào nội dung, chương trình chung của ASEAN. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã có tuyên bố về đào tạo nhân lực phục vụ dịch chuyển tự do, cần thành lập hội đồng các quốc gia thành viên để triển khai tích cực AQRF. Đây là nội dung quan trọng đòi hỏi cần thực hiện và triển khai VQF. “Trước mắt cần đẩy mạnh triển khai VQF; triển khai việc công nhận trình độ lẫn nhau và tham chiếu AQRF. Thời gian tới sẽ hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN và thực hiện kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và các bên liên quan để triển khai AQRF và VQF. Để làm được điều này rất cần sự tham gia của các chuyên gia trong những lĩnh vực chuyên sâu như y tế, du lịch… cũng như hiểu rõ hơn về lợi ích khi thực hiện các thỏa thuận để thực hiện những nội dung cụ thể trong công tác triển khai VQF và AQRF”, TS. Dũng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)