Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Tranh cãi về thời điểm khởi tranh V-League 2021

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa mùa giải nào thời điểm tổ chức lại gây ra hai luồng ý kiến trái chiều như mùa giải 2021, khiến V-League trở nên kịch tính ngay từ lúc chưa khởi tranh.
Trận Sài Gòn FC gặp HAGL tại mùa giải 2020. 2 đội sẽ chạm trán nhau lượt trận khai mạc mùa giải mới
Lo ngại khó khăn cho ngoại binh
Hội thảo công tác tổ chức thi đấu V-League 2021 cách đây hai ngày trở nên nóng bỏng bởi bất ngờ “nổ ra” một số quan điểm không đồng nhất với lịch thi đấu dự kiến mà Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) soạn thảo. Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện CLB TP.HCM cho biết một số đội bày tỏ mong muốn được dời mốc thời gian khởi tranh V-League đến sau Tết Nguyên đán, nghĩa là sau ngày 12.2.
Hai lãnh đạo CLB trình bày quan điểm của mình tại hội thảo gồm ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng, và ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA.
Hai đội bóng này đều cho rằng nếu giải chính thức diễn ra vào ngày 16.1 sẽ khiến các đội bị động và không có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt lực lượng. Vì hiện tại hầu hết các đội vẫn đang tìm kiếm nhân sự, trong đó có ngoại binh. Mà trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cầu thủ ngoại đến Việt Nam đều bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Nếu tìm được sớm thì các ngoại binh sau khi cách ly xong còn có thời gian hòa nhập với môi trường mới, còn nếu không tìm được ngay thì các đội sẽ gặp không ít khó khăn, dễ rơi vào tình trạng cập rập. Như đội TP.HCM hiện có hai cầu thủ ngoại đang cách ly là Jose (Costa Rica) và Pape Diakite (Senegal), đến cuối tháng 12 mới hoàn tất thủ tục y tế này.
Tuy nhiên, các đội còn lại đều không phản đối thời điểm khởi tranh giải theo đề xuất của VPF. HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “VPF có lý do để lên kế hoạch bởi họ còn phải dựa vào lịch thi đấu của đội tuyển quốc gia, đội U.22 Việt Nam và các CLB dự các giải châu Á năm 2021. Tất nhiên nếu giải diễn ra muộn thì sự chuẩn bị của các đội sẽ càng kỹ, nhưng khi hoàn cảnh không cho phép thì chúng tôi sẽ tuân thủ theo VPF. Tốt nhất là không nên trình bày dài dòng, không có ý kiến khác với ban điều hành mà mình nên cố gắng thích ứng với tình hình thực tế. Hiện đội tôi đã có 2 Tây, còn thiếu 1 Tây mà nếu mua kịp thì vòng đầu đăng ký luôn cả 3. Nếu không kịp thì đá 2, đợi đến mấy vòng sau sẽ là 3. Không có vấn đề gì quá nghiêm trọng cả”.
Đá muộn, các đội sẽ quá tải vì giải bị dồn
Tại cuộc gặp gỡ giới truyền thông sau lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu vào ngày 12.12, trả lời câu hỏi của PV, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF, đã giải thích về lý do phải khởi tranh vào ngày 16.1 mà khó dời sang thời điểm muộn hơn một tháng (ngày 12.2 là mùng 1 Tết Nguyên đán).
“Lấy ngày 16.1.2021 làm thời điểm khởi tranh hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và ngày 30.9 là ngày kết thúc – thời gian là 257 ngày. Trong đó, 140 ngày dành cho đội tuyển tập trung thi đấu vòng loại World Cup 2022 và 3 CLB của Việt Nam dự AFC Champions League, AFC Cup. Nghĩa là 3 giải gồm V-League, Cúp quốc gia, giải hạng nhất sẽ chỉ còn tổ chức trong 117 ngày. Nếu đá muộn hơn thì quỹ thời gian càng bị hẹp lại, chính các đội sẽ bị ảnh hưởng bởi các cầu thủ sẽ bị quá tải nếu phải thi đấu liên tục khi các lượt buộc phải dồn lại.
Mùa giải 2021 có thể thuận lợi hơn mùa 2020 nhưng cũng phải dự báo tình huống không hay xảy ra khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Vì thế, bằng kinh nghiệm thực tiễn ở mùa giải 2020, VPF đã tính toán và chủ động xây dựng các giải pháp mang tính dự báo, linh hoạt trong xử lý các tình huống có thể xảy ra”, ông Tú nói.
Một quan chức VFF cho biết: “Do AFF Cup đã hoãn đến cuối năm 2021 và VPF xây dựng lịch của mùa giải mới dựa trên cả cơ sở này nên tôi xin điểm lại 5 đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam: Đợt 1 từ 22 – 30.3, đợt 2 từ 31.5 – 15.6, đợt 3 từ 30.8 – 7.9, đợt 4 từ 4 – 12.10, đợt 5 từ 8 – 16.11. Vòng loại U.23 châu Á dự kiến từ 23 – 31.10 tại Việt Nam. SEA Games 31 từ 21.11 – 2.12. Chúng ta cũng phải tính đến cả thời gian để các sân vận động tại phía bắc nâng cấp, cải tạo phục vụ SEA Games nên không thể tiến hành được V-League, như sân Cẩm Phả, Thiên Trường, Lạch Tray…”.
Cũng theo quan chức này: “Ngoài ra, còn phải đặc biệt lưu ý đến kế hoạch dự AFC Champions League của đội Viettel, dự kiến từ ngày 5.5 đến tháng 11.2021; dự AFC Cup của Sài Gòn FC và Hà Nội FC dự kiến từ 22.6 – 26.11. Trận Siêu cúp quốc gia giữa Viettel và Hà Nội FC vào ngày 9.1 trên sân Hàng Đẫy. Trong quãng thời gian từ 9.1 – 30.9, mùa giải 2021 phải tạm dừng 3 lần để các đội tuyển làm nhiệm vụ quốc tế. Nếu V-League nói riêng và mùa giải 2021 tổ chức quá muộn thì cả hệ thống bóng đá Việt Nam bị tác động lớn”.
TT (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)