Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gia đình Kiều mắc tội gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện xảy ra cách đây đúng 35 năm, khi tôi đang dạy văn ở Thanh Hóa. Hôm ấy tôi dạy Truyện Kiều. Đúng đến đoạn gia đình Kiều mắc oan, một học sinh giơ tay hỏi: – Thưa thầy, gia đình Vương ông bị thằng bán tơ vu oan như Nguyễn Du kể thì đã rõ: “Hỏi ra sau mới biết rằng/ Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ”. Nhưng đấy là tội gì ạ?

Thú thật lúc ấy tôi cũng lúng túng vì chưa nghĩ đến tình huống này. Giá như ở nhà thì còn tra cứu và đọc kỹ lại xem. Nhưng đang trên lớp thì biết trả lời thế nào. Tôi nhớ Nguyễn Khuyến cũng chỉ viết: “Thằng bán tơ kia giở giói ra/ Làm cho bận đến cụ viên già”. Nguyễn Khuyến cũng không nói “giở giói” chuyện gì. Im lặng một lúc, tôi giải thích: Nguyễn Du không nói rõ thằng bán tơ vu cho nhà Vương ông tội gì cả. Đó chính là tài năng kể chuyện của Tố Như. Với chi tiết ấy, tác giả đã gián tiếp tố cáo sự bất công đến kỳ lạ khó hiểu của xã hội lúc bấy giờ. Một xã hội luôn được ca ngợi là thái bình thịnh trị “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” thế mà trong xã hội ấy bọn quan lại muốn ai chết cũng được, muốn bắt ai cứ bắt… không cần tang chứng, vật chứng gì cả; không cần lý lẽ, phải trái, đúng sai; không cần biết người ấy mắc tội gì. Chỉ cần một thằng ất ơ vu vạ bảo “người này có tội” thế là bắt bỏ tù, là tra khảo đánh đập, mặc người bị oan la khóc van xin: “Hạ từ van lạy suốt ngày/ Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn. Rường cao rút ngược dây oan/ Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người”. Đọc xong mấy câu thơ ấy, tôi dừng lại, cũng là lúc trống báo hết giờ. Thấy học sinh vỗ tay. Chẳng biết lý giải thế có đúng không, nhưng vì lúc ấy bí nên cứ nói liều theo mạch hiểu về chủ đề và ý nghĩa của tác phẩm này. Trộm nghĩ, học sinh không phản đối gì là may rồi…

Hơn 30 năm nhớ lại một kỷ niệm dạy Truyện Kiều, ngày ấy tôi mới 28 tuổi. Cũng đành mượn lời cụ Tam nguyên Yên Đổ mà thay lời cảm khái: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?”.

PGS.TS Đ Ngc Thng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)